Thời gian qua, dù Báo Đại Đoàn Kết đã nhiều lần phản ánh, nhưng tình hình khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu vẫn hết sức nóng, gây bức xúc dư luận. Để có thông tin khách quan, trung thực tới bạn đọc, phóng viên tiếp tục xâm nhập vào các bãi khai thác vàng trái phép ở đây.
Mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nơi có diện tích lên đến 368ha, việc khai thác vàng trái phép diễn ra liên tục. Tình trạng này không chỉ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, hiểm nguy rình rập về tại nạn lao động và ô nhiễm môi trường mà còn gây mất an ninh trật tự.
Trong vai những người đi xin việc làm, chúng tôi đi theo con đường dốc dựng đứng trên sườn núi để tìm cách tiếp cận các bãi khai thác vàng. Càng đi vào sâu bên trong bãi vàng thì tiếng máy nổ âm vang cả khu rừng, các bãi xái quặng bốc mùi hôi nồng nặc, nhiều con suối nước chảy đục ngầu.
Nơi đây có nhiều lán trại của phu vàng nằm ẩn mình giữa rừng cây. Không ít lần chúng tôi bị chặn lại với những người cầm xà beng hay dao, rựa, họ đặt ra câu hỏi: Các ông vào đây làm gì? Ai cho phép các ông vào đây?,...
Vào tận khu vực Lò 10 (tên gọi từ thời người Pháp khai thác vàng tại đây - PV). Nơi đây có hơn 4 hầm lò tối tăm ăn sâu trong lòng núi. Trung bình mỗi miệng hầm rộng hơn 2m, cao khoảng 1,5m. Ngoài miệng hầm, nhiều xe máy của các phu vàng dùng để chở đá quặng cùng với những lán trại để phu vàng ăn ở và 3 lều bạt để hoạt động xay đá lấy quặng.
Trước mắt chúng tôi, cả khu rừng bị cày xới nham nhở như vừa bị trận bom oanh tạc, các bãi tập kết đá chất cao thành đống lớn, các bể hóa chất, xái quặng được phu vàng chôn tạm bợ tại chỗ, nước đục ngầu bốc mùi hóa chất nồng nặc.
Anh Trần T., quê Thanh Hóa tâm sự, do không có công ăn việc làm ổn định nên anh được một số người địa phương rủ vào trong Quảng Nam để làm thuê cho một chủ bãi vàng. Anh T. cho hay, chỉ cần 1 cái đèn pin đeo trên đầu và 1 chiếc xe máy được độ lại “xoáy nòng” (doa xi lanh) là anh có thể chở đá quặng từ bên trong hầm lò ra ngoài.
Anh N.B. cũng là phu vàng cho biết: “Chúng tôi làm ở đây ông chủ trả tiền công mỗi người 6 triệu đồng/tháng. Nghề này quá khổ cực, dễ chết người do tai nạn lao động, liên tục bị lực lượng chức năng truy đuổi, nhưng mình không có việc làm đành phải chấp nhận vào đây”.
Sau khi rời khỏi hầm Lò 10, chúng tôi di chuyển qua khu vực Đồi Sim cũng trong khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Tại đây có hơn 10 lán trại nằm giữa lùm cây. Mấy chục con người đang cặm cụi dùng cuốc, xà beng, xe rùa để đào chở đất đá đi xay lấy quặng. Một số người đang bắt ống nhựa dẫn nước từ các con suối lên để rửa trôi đi lớp đất đá lấy quặng.
Âm thanh máy nổ, tiếng nói, gọi nhau của phu vàng, khiến khu vực này như đại công trường đang khai thác vàng hợp pháp.
Anh N.V.N. - một phu vàng cho biết, khu vực Đồi Sim có hàng chục lán trại, mỗi lán trại có từ 4 đến 8 người thay phiên nhau làm cả ngày lẫn đêm. Hôm nào có lực lượng công an vào truy quét thì các phu vàng bỏ trốn vào rừng.
“Muốn lấy được vàng vô cùng gian khó, phải trải qua nhiều công đoạn như đào đất lòi ra quặng để lấy, rồi bỏ vào máy nổ để xoay nhỏ ra, xong đến công đoạn cho vào hồ ủ với hóa chất vài hôm xả ra, lắng lại mới có thể lấy vàng. Tuy nhiên, nhiều hôm xả hồ chẳng có vàng, hay bị lực lượng chức năng truy quét vào phá bỏ thì coi như trắng tay” - anh N. nói.
Tình trạng khai thác vàng nhiều năm qua vẫn diễn ra phức tạp. Lực lượng chức năng thường xuyên truy quét, đập phá máy móc và đẩy đuổi nhiều đối tượng khai thác vàng trái phép, song tình trạng này vẫn tiếp diễn chưa thể ngăn chặn dứt điểm được.
Đáng nói, những người khai thác vàng trái phép đều chưa qua 1 khóa đào tạo khai thác khoáng sản nào mà tự làm bằng cách “truyền miệng” kinh nghiệm của nhau rồi dần quen với nghề. Họ cũng không có bảo hiểm lao động, càng không có hợp đồng lao động. Công việc này quá nguy hiểm, gian khó, đối diện với những hiểm nguy khó lường.
(còn nữa)