Kinh tế

Nâng cao chất lượng, định vị thương hiệu vải chín sớm Phương Nam

Thanh Phương 27/05/2024 18:06

Từ quả vải chín sớm Phương Nam, nhiều hộ dân tại phường Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Để nâng cao chất lượng và định vị thương hiệu vải chín sớm Phương Nam, địa phương đã triển khai nhiều kế hoạch, mang đến kết quả tích cực.

Làm giàu từ cây vải chín sớm

z5480902625369_2c8cf9b3e7b4bced8799a1b61612f442.jpg
Quả vải chín sớm Phương Nam có vỏ mỏng, cùi dày với hương vị ngọt mát, chua dịu.

Đầu tháng 5, khi tôi đến phường Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh), tôi có thể dễ dàng bắt gặp những vườn vải xanh mướt, nặng trĩu những chùm quả. Theo lời những bậc cao niên tại đây, vải chín sớm Phương Nam được trồng từ khoảng năm 1966 và có nguồn gốc từ giống vải Thanh Hà. Hiện nay, vải được trồng tại một số khu vực như Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà, Hồng Hải, Đá Bạc, Cẩm Hồng.

Vải chín sớm Phương Nam quả to, vỏ mỏng, gai thưa, cùi dày, có vị ngọt mát, chua dịu. Do điều kiện thổ nhưỡng tại đây, vải chín sớm Phương Nam có thời gian thu hoạch sớm hơn, thông thường vào tầm đầu tháng 5.

Hiện nay, trên địa phận phường Phương Nam có gần 400 ha diện tích trồng vải với sản lượng ước tính khoảng 2.000 tấn/năm, mang lại doanh thu từ 50-60 tỷ đồng.

z5480902637715_aa58c667959933d74a4cdfb50dbe3b8f.jpg
Ông Phạm Văn Trị (khu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí) tại vườn vải trĩu quả của mình.

Đến thăm vườn vải của gia đình ông Phạm Văn Trị (khu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí), chúng tôi được người nông dân đã ngoài 60 tuổi giới thiệu: “Vườn này nhà tôi có khoảng hơn 100 cây vải, sản lượng mỗi cây đạt khoảng 40 kg. Năm nay tuy rằng sản lượng vải có giảm do những yếu tố khách quan, thế nhưng giá vải vẫn ổn định, thậm chí có sự tăng nhẹ. Giá vải bán cho thương lái đóng hàng lạnh tăng khoảng 7.000 đồng/kg còn giá bán tiêu thụ ngoài chợ cao hơn 10.000 đồng/ kg so với năm ngoái”.

Theo nhẩm tính của ông Trị, vụ mùa năm nay, gia đình ông lãi gần 200 triệu đồng. Với số tiền này, ông Trị có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình và tái đầu tư, chăm sóc để nâng cao năng suất và chất lượng cho vườn vải.

z5480902678557_ccf07c9b8eb96fa22e29e991fc28e52c.jpg
Bà con nông dân vui vẻ với mùa vải chín sớm được giá.

Chung niềm vui với ông Trị, năm nay, gia đình bà Nguyễn Huy Hải (khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam, TP Uông Bí) bán vải với giá từ 40.000 – 50.000 đồng/ kg. Đến nay, toàn bộ vườn vải đã được thương lái thu mua.

“Gia đình tôi là một trong những hộ thu hoạch vải chín sớm đầu tiên tại phường Phương Nam. Những ngày đầu, giá bán vải có thể lên tới 70.000 đồng/ kg, vào đúng vụ thì giá bắt đầu ổn định trong khoảng 50.000 đồng/ kg. Năm nay gia đình tôi có 110 cây vải cho sản lượng ổn định”, bà Hải hồ hởi nói.

Chia sẻ với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, bà con nông dân trồng vải chín sớm Phương Nam đều rất phấn khởi, hào hứng vì từ khi bắt tay vào trồng vải, đời sống của người dân nơi đây đều khấm khá hơn trước.

Đưa quả vải chín sớm Phương Nam "vươn xa"

z5480902678558_213a464605870e9a7c7b9f7da21e2d0f.jpg
Vải chín sớm Phương Nam là sản phẩm kinh tế chủ lực tại phường Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh).

Từ năm 2013, vải chín sớm Phương Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là một trong 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh. Đến năm 2019, TP Uông Bí đã hoàn thành việc triển khai mô hình và quy trình sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo hướng VietGAP.

Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích cây vải chín sớm Phương Nam được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP là trên 290ha. Với việc tuân theo quy trình VietGAP, quả vải sẽ được đảm bảo chất lượng, giá trị và có cơ hội “vươn xa” hơn đến các thị trường trong nước và quốc tế.

z5480942143157_2010b48e7a509058900c009e156d2c08.jpg
Ông Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) trực tiếp xuống từng vườn để kiểm tra chất lượng của quả vải.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam thông tin: Từ tháng 8/ 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp Công ty Cổ phần OTAS Global triển khai thí điểm mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS, trên diện tích 30ha, với trên 100 hội viên nông dân tham gia. Dự án sẽ giúp phát triển nông nghiệp theo chuẩn số hóa, phục vụ sản xuất và nâng cao thương hiệu sản phẩm vải chín sớm Phương Nam.

“Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao chất lượng của quả vải chín sớm Phương Nam, duy trì mỗi kg vải chỉ từ 18-20 quả và thúc đẩy thời gian chín sớm hơn. Hiện nay, thời gian vải chín vào khoảng 10 – 15/4 âm lịch nên gần chạm vào ngưỡng vải chín sớm của một số địa phương khác nên giá cả không cao hơn nhiều. Vừa qua, chúng tôi cũng đã xây dựng mô hình khống chế lộc đông và kiểm soát cây vải phân hóa mầm hoa ổn định để ra quả đều và sớm hơn”, ông Trà chia sẻ.

z5480902664247_dd5ba3dff07edc0b1b8ed37229b03dec-2a02bee61db2226633c2af5f9fd6d5a4.jpg
Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh đã tổ chức livestream để giới thiệu sản phẩm vải chín sớm Phương Nam.

Cùng với đó, TP Uông Bí đã và đang triển khai nhiều kế hoạch để hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm vải chín sớm Phương Nam, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ cho loại nông sản đặc biệt này. Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh đã tổ chức livestream sản phẩm vải chín sớm Phương Nam với sự tham gia của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm.

Với những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng và giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm vải chín sớm Phương Nam sẽ có cơ hội “vươn cao, vươn xa” không chỉ tại riêng thị trường trong nước mà còn cả ở thị trường nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng, định vị thương hiệu vải chín sớm Phương Nam