Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hội phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT nâng cao chất lượng giáo dục môn lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho thế hệ trẻ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội KHLS Việt Nam.
Sáng 29/11 tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLS) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (1966-2016). Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự lễ và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội KHLS Việt Nam.
GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam cho hay: Hội KHLS Việt Nam ra đời với Đại hội thành lập ngày 2/6/1966, Chủ tịch đầu tiên của Hội là GS VS Trần Huy Liệu.
Từ những ngày đầu ấy hội đã tập hợp được giới sử học và những nhà khoa học của những ngành liên quan như Dân tộc học, Khảo cổ học, Bảo tàng, Thư viện, Lưu trữ, Văn hóa dân gian… hoạt động của hội góp phần nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Kể từ đó đến nay, đã trải qua 7 kỳ Đại hội, Hội HKLS Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng tập hợp rộng rãi những nhà khoa học công tác nghiên cứu và đạo tạo trên các lĩnh vực của KHLS và các ngành liên quan, đoàn kết giới sử học cả nước nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền sử học nước nhà, phổ biến kiến thức lịch sử góp phần giáo dục truyền thống dân tộc.
Hiện Hội KHLS Việt Nam có 5.222 hội viên; có 33 Hội cấp tỉnh, thành phố. Trong đó có 4 hội chuyên ngành: Hội Giáo dục lịch sử, Hội Lịch sử công an nhân dân, Hội Sưu tầm nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long, Hội Khoa học lịch sử thể dục- thể thao; cùng 22 Chi hội của các cơ quan nghiên cứu đào tạo sử học Trung ương…
Phương thức hoạt động của Hội KHLS Việt Nam là thông qua các hội thảo khoa học, diễn đàn sử học, tổ chức đề tài nghiên cứu khoa học… để định hướng và đẩy mạnh sự phát triển sử học Việt Nam.
Trong vài thập kỷ gần đây, Hội KHLS Việt Nam quan tâm nghiên cứu bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của đất nước. Đó là lịch sử biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Campuchia, nghiên cứu Biển Đông và chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, Hội đang tập trung biên soạn bộ “Lịch sử Việt Nam“ gồm 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện, phản ánh những kết quả nghiên cứu mới nhất ở trong nước và tiếp thu có chọn lọc những kết quả nghiên cứu quốc tế.
Hội KHLS Việt Nam rất coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định khoa học trong công việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, cũng như các dự án liên quan đến lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Đặc biệt là việc dạy và học sử trong nhà trường phổ thông. Hội cũng đã cảnh báo ngành giáo dục để cho tình trạng yếu kém kéo dài của môn Lịch sử sẽ dẫn đến hậu quả nguy hại trong nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ trở thành công dân làm nhiệm vụ sẵn sàng bảo vệ đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả, thành tích và đóng góp của Hội KHLS Việt Nam và giới sử học cả nước trong suốt chặng đường 50 năm qua.
Chủ tịch nước cho rằng, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi Hội KHLS Việt Nam và giới sử học cả nước cần tiếp tục phát huy tính tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới khoa học lịch sử, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị: Hội cần chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống dân tộc để mọi người đều có nhận thức đúng là kiến thức lịch sử không phải chỉ dành cho những nhà sử học và những người muốn trở thành các nhà sử học, mà cần thiết cho mọi người, mọi giới, bao gồm cả các nhà quản lý. Phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT nâng cao chất lượng giáo dục môn lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho thế hệ trẻ.
Nhân Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập, Hội KHLS Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo với chủ đề “50 năm sử học hiện đại Việt Nam”.
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc- Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam cho hay, Hội đã nhận được 22 báo cáo khoa học về 22 vấn đề lớn đang được giới sử học cả nước quan tâm. Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày báo cáo khoa học về khảo cổ học Việt Nam, về Sử học Việt Nam ở nước ngoài, nghiên cứu về giới sử học Việt Nam từ 1954- 1975…