Với mục tiêu đổi mới, củng cố hoạt động và phát triển hợp lý hệ thống các trường dân tộc nội trú, tại Tiểu dự án 1, Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường học cho hệ thống các trường chuyên biệt này. Trong đó, chú trọng rà soát ưu tiên đầu tư cho những cơ sở giáo dục thực sự khó khăn.
Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường Phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”, các hạng mục được đầu tư theo Chương trình MTQG 1719 là nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất khối phòng, công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh...
Để thực hiện dự án này, cả nước đã có 38/42 địa phương xây dựng kế hoạch, mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025. Từ nguồn vốn, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và các dự án phục vụ dạy và học.
Thực hiện dự án này, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 8 công trình trường học để nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh đồng bào DTTS. Ông Sầm Văn Du - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Kạn cho biết, đối với hạng mục đầu tư xây dựng các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh triển khai thực hiện. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng các trường học trong giai đoạn năm 2023 - 2025 là hơn 106 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đã thi công 2 trường là Trường phổ thông dân tộc nội trú Pác Nặm và Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Công Bằng (huyện Pác Nặm).
Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Bắc Kạn cũng ban hành một số cơ chế, chính sách riêng đối với trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh. Từ đây, các em học sinh bán trú có thêm điều kiện về vật chất để vững bước đến trường. Học sinh đồng bào DTTS ở các trường vùng sâu vùng xa, ở xã, thôn đặc biệt khó khăn không phải đóng học phí, được cấp phát gạo, tiền trọ học và tiền ăn hàng tháng theo đúng quy định. Việc ban hành chính sách đã giúp cho các cơ sở giáo dục thực hiện các chế độ đúng, đủ, kịp thời, phù hợp với điều kiện của các đơn vị trường học.
Cũng được đầu tư nguồn lực khá lớn cho giáo dục đồng bào DTTS, trong 2 năm 2022 và 2023, tỉnh Trà Vinh được đầu tư trên 65 tỷ đồng cho dự án này. Với đặc thù địa phương có hơn 30% học sinh là đồng bào DTTS, tỉnh đã làm khá tốt công tác hỗ trợ học sinh vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt, nâng cao dân trí cho đồng bào.
Ông Hà Thanh Sơn - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh đã triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tại 8 trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Nhờ có hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú nên chất lượng giáo dục của học sinh đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến rõ rệt như: Tỷ lệ huy động học sinh đồng bào DTTS trong độ tuổi ra lớp tăng, tỷ lệ học sinh đồng bào DTTS bỏ học giảm, môi trường học tập ở trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú cũng giúp học sinh đồng bào DTTS tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt...
Về những khó khăn mà các địa phương gặp phải khi thực hiện Chương trình MTQG 1719, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, trên cơ sở này, hiện nay các địa phương đang tích cực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung, dự án Chương trình.
Ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ GDĐT cho biết, đối với Chương trình MTQG 1719, để nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư, Bộ GDĐT chú trọng hướng dẫn các địa phương rà soát những điểm nóng, những cơ sở giáo dục thực sự khó khăn để ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này. Mục tiêu của Bộ, là đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; lựa chọn đúng đối tượng cần phải đầu tư và nhanh chóng khẩn trương hoàn thành các hạng mục đầu tư để đưa vào sử dụng và phát huy công năng.
“Chương trình MTQG 1719, là một Chương trình lớn, giai đoạn triển khai kéo dài. Để đạt được kết quả tốt, đảm bảo đúng theo tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ sở giáo dục để nắm bắt thực tế, tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh nếu có trong quá trình triển khai thực hiện” - ông Xuyên đề xuất ý kiến.