Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước đã có 57/63 tỉnh, thành phố có bệnh viện y học cổ truyền. Nhiều bệnh viện y học cổ truyền đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trên tổng số lượt khám, chữa bệnh chung tiếp tục được duy trì, tuyến Trung ương chiếm 4,1%, tuyến tỉnh 11,7%, tuyến huyện 13,4%, tuyến xã là 28,5%.
Trong năm 2017, ngành Y tế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y dược cổ truyền như hướng dẫn phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền, danh mục dược liệu độc làm thuốc, quy định tỷ lệ hao hụt đối với vị thuốc cổ truyền và việc thanh toán chi phí hao hụt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Ngành Y tế tăng cường công tác phát triển dược liệu trong nước tiến tới đảm bảo cung ứng, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu trong các cơ sở khám chữa bệnh. Theo thống kê, đến nay, ngành đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại kháng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Việt Nam sở hữu nhiều loại dược liệu quý hiếm như: Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Châu thụ, Ngân đằng... Quá trình điều tra về tri thức bản địa đã thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước.
Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng dược liệu tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược liệu. Ngành Y tế tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn lĩnh vực y dược cổ truyền, xây dựng một số mô hình thí điểm đào tạo tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe ban đầu, mô hình nâng cao năng lực khám chữa bệnh bằng châm cứu tại tuyến xã.
Tuy nhiên, đến nay, chất lượng khám chữa bệnh y học cổ truyền chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của người dân, việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong một số cơ sở còn hình thức, lợi thế của y dược cổ truyền chưa phát huy tốt…
Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về y dược cổ truyền từ Trung ương đến địa phương, phấn đấu 100% sở y tế có bộ phận chuyên trách về y dược cổ truyền.
Ngành chú trọng phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đào tạo nhân lực y dược cổ truyền từ Trung ương đến địa phương phấn đấu đến năm 2018 có thêm 2 tỉnh, thành phố có bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh. Ngành đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại so với tổng số người bệnh được khám, chữa bệnh. Theo đó, mục tiêu trong năm 2018, tuyến Trung ương đạt 10%; tuyến tỉnh đạt 15%; tuyến huyện đạt 20% và tuyến xã đạt 35%. Ngành đáp ứng đủ dược liệu, thuốc y học cổ truyền, thuốc dược liệu thiết yếu và chủ yếu đạt chất lượng theo quy định cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền.