Văn hóa

Nâng cao chất lượng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Phạm Sỹ 19/12/2023 07:32

Những năm qua, đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà khá sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và sâu sắc hơn về phương thức thể hiện.

anh-bai-duoi(2).jpg
Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khoá V, ngày 26/10/2022. Nguồn: CAND.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, trong nửa thế kỷ qua nền văn hóa, văn nghệ nước nhà được xây dựng, vun đắp trong không khí hòa bình, thống nhất, dân chủ, đổi mới, phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhưng chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc mà đất nước đã đạt được. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn. Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

GS.TS văn học Trần Đình Sử cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và hạn chế. Lý luận phê bình mới chỉ dừng lại ở mức chê vỗ về nhau chứ chưa chỉ ra vấn đề sáng tác của chúng ta đang đi về đâu, theo hướng nào, chọn con đường nào. Đây là điều chưa làm được. Phê bình văn học chỉ làm vui lòng nhau. Chưa làm rõ được khuynh hướng văn học đang đi về đâu. Tình trạng mới, cũ ở lý luận văn nghệ vẫn còn phổ biến. Điều đó làm cản trở sự phát triển của văn nghệ. Bây giờ chúng ta phải dựa vào tinh thần mới để nhận ra cái cũ trong các chương trình trước đây mà chúng ta đã xử lý, đã nghiên cứu. Thực ra cái cũ rất nhiều. Trong giáo trình đại học cái cũ xuất hiện rất nhiều. Vì thế cần phải đổi mới thực sự trong các lĩnh vực.

Còn ông Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, để khắc phục được tình trạng thiếu đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đặc biệt là đào tạo được lực lượng hoạt động chuyên nghiệp nhằm thực hiện tốt định hướng phát triển công tác lý luận, phê bình thời gian tới, cần có đề án quy hoạch và phát triển công tác lý luận, phê bình; có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút, giải thưởng cho tác phẩm, công trình chất lượng…

Nhà văn Cao Duy Sơn - Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam cho rằng, tới đây cần có các cuộc hội thảo về đề tài dân tộc thiểu số. Đây là một mảng đời sống mà mỗi dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số đều có nền văn hóa phong phú đặc sắc riêng đóng góp vào sự đa dạng văn hóa của đất nước. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến đội ngũ những người sáng tác là đồng bào dân tộc thiểu số và cả những nhà văn người Kinh viết về đề tài văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật