Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang đến sự thay đổi lớn lao về phương thức sản xuất kinh doanh mà kéo theo các vấn đề về lao động - việc làm ở thế kỷ 21. Phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn là một trong những trọng tâm ưu tiên của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Cần chú ý đến nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tỷ trọng thấp
Như chúng ta đã biết, cùng với sự phát triển của xã hội, thế giới việc làm đang trải qua những biến đổi về cơ cấu do tiến bộ công nghệ, chuyên môn hóa sản xuất ngày càng cao.
Một mặt, công nghệ và số hóa hứa hẹn cải thiện năng suất, tăng nhanh giá trị gia tăng và tạo ra các loại hình việc làm mới.
Song mặt khác cũng tiềm ẩn những nguy cơ lớn như người lao động được thay thế bằng máy móc nhiều hơn, một số công việc trở nên lỗi thời và tính dễ bị tổn thương của người lao động tăng lên.
Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện ở nhiều nước trong khu vực đã chứng kiến việc cắt giảm một số lượng lao động ở trình độ thấp.
Chẳng hạn tại Thái Lan, riêng trong ngành sản xuất ô tô, hơn 60% lao động được trả lương và 73% lao động đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.
Tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành dệt may, da giày cũng trong tình trạng đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.
Trên phạm vi toàn cầu, lao động trong lĩnh vực trí óc và chân tay đã tăng lên liên tục so với lao động thường xuyên kể từ những năm 1980.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTBXH), năm 2016, trong tổng số 55,54 triệu lao động của cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, chiếm 20,6%.
Lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật, công nghệ cao còn chiếm tỷ trọng thấp. Rõ ràng Việt Nam vẫn đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, có tác phong lao động trong môi trường toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Làm sao để đáp ứng nhân lực cho thời đại kỷ nguyên số là một bài toán khó cho các nhà hoạch chính sách vĩ mô.
Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là vấn đề cấp bách, đặc biệt Việt Nam vừa tổ chức tuần lễ Cấp cao APEC, với cương vị nền kinh tế chủ nhà của APEC 2017 điều này đã mang lại cho Việt Nam nói chung và nhân lực của Việt Nam nói riêng nhiều cơ hội phát triển mới.
Do đó, chúng ta cần tranh thủ những cơ hội từ APEC để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nhất là trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng hiện nay.
Trọng tâm ưu tiên
Theo bà Mai Phương, các nền kinh tế APEC đã cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho dịch chuyển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong nội bộ APEC.
Việc hình thành cơ sở dữ liệu chung về nhân lực của các nền kinh tế APEC, ví dụ cơ sở dữ liệu về kỹ sư đang triển khai sẽ giúp các nền kinh tế bổ sung cho nhau, giải quyết được vấn đề thiếu lao động.
Hợp tác trong đào tạo chuyên gia cũng như trong nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên về phát triển đội ngũ nghiên cứu khoa học cũng như tạo mối quan hệ gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng được các nền kinh tế APEC nhất trí thực hiện.
Để nắm bắt tốt những cơ hội này, trước mắt Việt Nam cần nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hợp lý.
Do vậy cần điều chỉnh chính sách lao động - việc làm, chính sách giáo dục - đào tạo và định hướng phát triển thị trường lao động cho phù hợp.
Trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng đào tạo nhân lực có những kỹ năng cơ bản về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học để đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động trong thế kỷ XXI.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với các nền kinh tế APEC nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ phải “Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ, tăng nhanh năng suất lao động xã hội và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế”.
Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có bước đi phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.