Ngày 6/11, tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo Xóa mù chữ đối với đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và một số tỉnh, thành khu vực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Theo con số thống kê của Vụ Giáo dục Thường xuyên và Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT), tính đến cuối năm học 2014 - 2015, trên toàn quốc tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 là 97,73%.
Trong đó độ tuổi 15 - 35 là 98,69%. Như vậy vẫn còn khoảng 1.318.402 người từ 15 - 60 tuổi còn mù chữ. Trong đó có khoảng 406.411 người trong độ tuổi 15 - 35 mù chữ. Đối với khu vực ĐBSCL, ước tính số người mù chữ độ tuổi 15 - 60 là 489.432 người. Trong đó có 62.881 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Số người mù chữ đội tuổi 15 - 35 là 123.406 người, chiếm tỷ lệ 25,22% tổng số người mù chữ.
Điều này cho thấy, đối tượng mù chữ hiện nay ở các tỉnh khu vực ĐBSCL tập trung chủ yếu ở độ tuổi 30 - 60. Đồng bào dân tộc thiểu số mù chữ khu vực ĐBSCL và một số tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ chủ yếu là người Khmer, Xtiêng, Chăm và một số các dân tộc khác.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, sở dĩ các tỉnh ĐBSCL còn nhiều người mù chữ là do địa bàn rộng, tập quán người dân sống theo hai bờ kênh, rạch, không tập trung, một số địa bàn vùng sâu đi lại khó khăn nên việc huy động trẻ đúng độ tuổi đến trường, trẻ bỏ học trở lại lớp gặp nhiều khó khăn. Công tác rà soát, cập nhật số liệu đối tượng phổ cập, xóa mù chữ gặp khó và thiếu chính xác ở những địa bàn giáp ranh. Đối tượng mù chữ phần lớn là người lớn tuổi hoặc là lao động chính trong gia đình nên ngại đi học, việc vận động ra lớp xóa mù chữ rất khó khăn. Nhiều người hoàn cảnh khó khăn, lao động vất vả nên không có thời gian để học… Bên cạnh đó chương trình, tài liệu học xóa mù chữ chưa phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Một số cán bộ, giáo viên không biết tiếng đồng bào dân tộc nên gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động người dân đi học cũng như khi dạy xóa mù chữ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất một số biện pháp đẩy mạnh công tác xóa mù chữ có hiệu quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và cộng đồng các dân tộc thiểu số về công tác xóa mù chữ. Tổ chức điều tra, thống kê số người mù chữ chính xác để xây dựng kế hoạch mở lớp đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Tổ chức vận động người mù chữ tham gia học xóa mù chữ và duy trì sĩ số các lớp học xóa mù chữ. Đa dạng các hình thức xóa mù chữ. Từng bước nâng cao chất lượng dạy, học chương trình xóa mù chữ. Củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ. Bổ sung chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ. Chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ…