Giáo dục

Nâng cao đời sống cho giáo viên

Thu Hương 20/02/2024 07:55

Từ 1/2/2024, gần 23.000 giáo viên (GV) công lập ở Hà Nội được thăng hạng chức danh nghề nghiệp và hưởng lương mới.

anhbaitren.png
Một tiết học của cô và trò trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Tin vui ngày đầu năm

Sở Nội vụ Hà Nội vừa có thông báo phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng và danh sách viên chức trúng tuyển xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông công lập thuộc TP Hà Nội năm 2023. Theo đó, số viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng là 22.769 người. Trong đó khối Mầm non có 13.106 người, khối tiểu học có 4.847 người, khối THCS có 2.558 người, khối THPT có 2.258 người. Số viên chức không trúng tuyển kỳ xét thăng hạng là 125 người.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề án xét thăng hạng GV hạng III lên GV hạng II năm 2023. Căn cứ vào hồ sơ, có 22.894 viên chức đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, trong đó điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng là 20 điểm; điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ là 80 điểm. Người được xác định trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có đủ các điều kiện: Có đầy đủ hồ sơ kèm các minh chứng theo quy định; đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II, hồ sơ phải được chấm đạt 100 điểm.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, kỳ xét thăng hạng GV năm 2023 nhằm tiếp tục chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức GV; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; bảo đảm quyền lợi của đội ngũ viên chức GV và thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2023 cũng đã có những tham mưu với Chính phủ, làm việc với các bộ, ngành để giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và người lao động ở các trường học.

Theo TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, một trong những đề xuất quan trọng của Bộ GDĐT trong năm qua là cần tăng biên chế cho ngành giáo dục. Bởi ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018 có nhiều môn học, hoạt động giáo dục cần có GV đặc thù. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất và được đưa vào lộ trình cải cách chính sách tiền lương, theo đó ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ cùng với Bộ GDĐT rà soát quy định tiền lương, ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất.

Kỳ vọng tiếp tục đổi mới chính sách

Trao đổi với báo chí về những nghiệm vụ trọng tâm năm 2024, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh năm nay toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, phải triển khai các giải pháp để đảm bảo đủ số lượng GV, đặc biệt là GV dạy những môn học mới. Tăng cường chính sách hỗ trợ GV; tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp cho các khu vực còn có nhu cầu cao. Bộ trưởng nhắc lại trong Nghị quyết 29 nêu một nội dung rất quan trọng, đó là “lương của nhà giáo được bố trí ở mức cao nhất trong thang bảng lương của khối hành chính sự nghiệp” nhưng thực tế còn khó khăn nên chưa thực hiện được như mong muốn. Nghị quyết 29 cũng yêu cầu ngân sách cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng thực tế chưa đảm bảo được.

“Bộ GDĐT sẽ tiếp tục có kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo; kiến nghị tiền lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp” - ông Sơn chia sẻ.

Liên quan đến việc nâng cao đời sống cho GV, Chỉ thị ban hành ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu các đơn vị có chính sách ưu đãi GV vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Hiện lương GV dao động 3,8 - 12,2 triệu đồng một tháng, tùy hạng bậc. Ngoài lương, mỗi GV tùy vị trí, nơi công tác, có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp sau: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25 - 50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù.

Cụ thể, hiện nay, theo các quy định về trả lương, GV mầm non, phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) được chia thành 3 hạng I, II, III. Từ 1/7/2024, khi thực hiện cải cách tiền lương mới, GV là viên chức sẽ được xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ. Theo đó, đối với GV khu vực công được xây dựng một bảng lương GV chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo. Mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương. Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, đối với GV là viên chức sẽ được bổ nhiệm từ hạng I, II, III đang hưởng theo các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT) sang lương mới với nhiều bậc lương khác từ 1/7/2024 giúp đảm bảo công bằng, khoa học, đặc biệt là bám theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc để GV yên tâm công tác, cống hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao đời sống cho giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO