Trong 2 ngày (19 -20/12), tại tỉnh Bình Thuận, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cho 250 đại biểu là cán bộ Mặt trận của 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị tập huấn, các đại biểu được nghe báo cáo viên giới thiệu tổng quan chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; những điểm mới về lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM; hướng dẫn lấy ý kiến sự hài lòng của người dân bằng công nghệ số; kết quả và kinh nghiệm trong xây dựng NTM của tỉnh Bình Thuận.
Đồng thời, đại diện các địa phương có ý kiến, kiến nghị, đề xuất liên quan đến thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững trao đổi với đại diện cơ quan quản lý về nội dung liên quan và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Được biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai từ năm 2008 đến nay, Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở nông thôn.
Tính đến năm 2022, cả nước có 5.775/8.227 xã (70,2%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 764 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 83 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã. 250 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành đạt chuẩn NTM, chiếm khoảng 38,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, sau 12 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã mang lại tác động to lớn đến đời sống xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn.
Điểm nổi bật trong công tác xây dựng NTM đó là Mặt trận và các tổ chức thành viên đã thể hiện sâu sắc vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong các hoạt động giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp ý các dự thảo văn bản, quy trình, trình tự công nhận đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí NTM trước khi ban hành.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, xây dựng NTM tại một số địa phương vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được nội lực cũng như khả năng sáng tạo của người dân. Công tác giám sát xây dựng NTM, xây dựng các công trình sử dụng nguồn lực do nhân dân đóng góp chưa được triển khai thường xuyên tại một số nơi.
Hội nghị cũng là dịp để cán bộ Mặt trận các cấp, các lãnh đạo đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, trình bày quan điểm thông qua các ý kiến, thảo luận về những kết quả làm được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tìm ra cách làm tốt, kinh nghiệm hay và các giải pháp có tính khả thi để góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, là cơ sở thực tiễn cần thiết để UBTƯ MTTQ Việt Nam bổ sung, hoàn thiện các nội dung, cơ chế trong chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các chương trình trong thời gian tới.