Tổ chức đi thực tế là một trong những cách tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ - trong đó có các nhà biên kịch thêm trải nghiệm để có những tác phẩm mới. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều tác giả, đây là điều kiện cần, nhưng chưa đủ.
Có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về những thế giới không hề tồn tại, chỉ có trong tưởng tượng của nhà văn như bộ tác phẩm Harry Poter, những bộ truyện khoa học viễn tưởng, những tác phẩm về lịch sử...
Nhưng thay đổi đến đâu thì cũng phải thừa nhận, những quan sát, những kinh nghiệm và hiểu biết từ thực tế cuộc sống rất hữu ích. Người cầm bút, đặc biệt là những nhà viết kịch cần rất nhiều những trải nghiệm từ cuộc sống thực tế, cùng những kiến thức thu lượm từ các nguồn khác sẽ đem tới sự tự tin cần thiết - điều khiến cho tác phẩm có tính chân thật, có cơ sở để tác giả mạnh dạn sáng tạo.
Vai trò của việc đi thực tiễn là quan trọng, là rất cần thiết. Vậy nhưng làm cách nào để mang lại hiệu quả cao nhất cho các cuộc đi thâm nhập thực tiễn này? Đây là câu hỏi không dễ trả lời của các cấp quản lý. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng các chi hội thành viên đều mong muốn tổ chức cho các nhà viết kịch đi thực tế có hiệu quả cao, sau mỗi cuộc đi khảo sát có tác phẩm chất lượng. Tuy nhiên, từ mong muốn tới thực tiễn có nhiều khác biệt. Dù sao những cuộc đi có tính chất hội hè, chớp nhoáng, không đúng điều kiện “ba cùng” khi chỉ tới địa phương trong một vài ngày, không gặp được những nhân vật cần thiết, không đủ điều kiện thời gian để tiếp cận những thay đổi có tính cơ bản của cuộc sống, thiếu vắng những thực tiễn cần thiết… thì thật khó để tác giả có thể viết ra những tác phẩm thật hay.
Có một thực tế, những tác phẩm từ trại sáng tác có được các đơn vị dàn dựng hay không lại là điều rất khó dự đoán. Ngay ở trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2022 vừa qua do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, dù thu nhận được kết quả về đề tài đa dạng, nhưng theo Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban sáng tác, NSND Giang Mạnh Hà thì kịch bản lần này còn thiếu tính dự báo, thiếu vắng những vấn đề gai góc nhất xã hội đang đặt ra, vì vậy còn thiếu sức sống, hơi thở của thời đại. Các tác giả chưa mạnh dạn, dấn thân để viết lên những trăn trở, khát vọng và mong mỏi của con người trong xã hội hôm nay
Đi thực tế nhưng những tác phẩm được “chưng cất” từ thực tiễn chưa ngấm nên vẫn thiếu vắng hơi thở cuộc sống. Lăn lộn từ thực tiễn, thai nghén tác phẩm, tìm tòi chủ đề tư tưởng, biến những kiến thức cuộc sống thành những nhân vật, những cảnh đời đầy chất hiện thực, mang tính tiêu biểu… quá trình này đòi hỏi sự vận động tự thân rất lớn của người viết và làm nên tính riêng, cá tính, phong cách của từng nhà viết kịch.
Vậy làm cách nào để hỗ trợ các nhà biên kịch tiếp cận thực tiễn, nhất là trong quá trình biến động rất nhanh chóng của hiện thực? Theo nhà văn, nhà viết kịch Bích Ngân, mọi chuyến đi đều mở rộng biên độ cuộc sống, mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cần tăng cường, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các tác giả tổ chức đi thực tế cơ sở để bám sát đời sống thực tiễn để sáng tác. Quan trọng hơn, cần đầu tư sâu cho mỗi đề tài, mỗi cá nhân tác giả. Không chỉ là tiền bạc, mà còn là sự giới thiệu, mối quan hệ có tính chất chính thức để các tác giả có thể thâm nhập những thực tiễn cần thiết cho tác phẩm. Hơn nữa, nếu các tác giả có nhu cầu về sự cập nhật kiến thức qua những kịch bản mới của thế giới, cũng cần có những bản dịch… Đó cũng là một trong những kênh tiếp cận thông tin đáng tin cậy.