Nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri

H.Vũ 13/07/2023 07:47

Ngày 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTƯMTTQVN (Nghị quyết số 525) ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Cần cụ thể hóa Điều 27 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Dương Thanh Bình cho biết, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 525, nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri được tổ chức; 42.455 kiến nghị của cử tri được tổng hợp, chuyển tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết, trả lời... Tuy nhiên, theo ông Bình, việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội; hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít và chủ yếu theo hình thức hội nghị. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; nội dung, chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri còn đơn điệu...

Phát biểu tại phiên họp, bày tỏ sự đồng tình với báo cáo tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết số 525, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, báo cáo đã tổng hợp đầy đủ các nội dung trong báo cáo của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam. Để MTTQ Việt Nam thực hiện được vai trò trong trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh kiến nghị, cần cụ thể hóa Điều 27 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành sửa đổi năm 2015 về trách nhiệm giám sát hoạt động dân cử và đại biểu dân cử. Với việc quy định rõ hơn, MTTQ Việt Nam các cấp có thể thực hiện được đầy đủ vai trò, trách nhiệm giám sát hoạt động của đại biểu dân cử.

Tán thành việc cần phải bổ sung những hình thức tiếp xúc cử tri cho phù hợp với tình hình hiện nay, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị nên bổ sung một số nội dung về hình thức tiếp xúc cử tri qua hình thức trực tuyến.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh kiến nghị, cần làm rõ việc tiếp xúc cử tri của đại biểu ở cơ quan, đơn vị công tác. Trong Nghị quyết liên tịch 525 quy định những nội dung, cách thức của đại biểu các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp xúc với cử tri. Tuy nhiên chưa ghi nhận nhiều về kết quả tiếp xúc của đại biểu ở cơ quan, đơn vị nơi công tác. Chính vì vậy cần có những quy định hướng dẫn cụ thể để đánh giá các hoạt động của ĐBQH được rõ hơn.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết tới đây phải quán triệt đầy đủ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp này, UBTVQH ban hành kết luận, trong đó đồng ý chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết, phân công cơ quan tổ chức thực hiện để sớm ban hành, chậm nhất trong quý I/2024.

Thiếu trầm trọng trường công cấp 3?

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023. Phát biểu tại phiên họp, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phản ánh, thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để xin nộp hồ sơ cho con học lớp 10 đang gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận.

Nêu thực tế hiện nay, thi vào lớp 10 còn khó hơn cả thi vào đại học, bà Nga đề nghị Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội cần vào cuộc. “Có phải chúng ta thiếu trầm trọng trường công cấp 3 không, thực tế này giải quyết thế nào? Vấn đề này cần bổ sung vào Báo cáo công tác dân nguyện” - bà Nga nói.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, nhu cầu của phụ huynh và học sinh là muốn vào cấp 3 công lập do chi phí thấp hơn nhiều so với trường tư thục. Đây là nhu cầu rất chính đáng của học sinh và phụ huynh.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Vinh cần các giải pháp tổng thể. Theo đó, Chính phủ, các địa phương phải tính toán rất cẩn thận. Vì đi kèm với đó phải tính đến phân bổ giáo viên. “Thời gian tới Ủy ban sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này” - ông Vinh nói.

Tình hình tại Đắk Lắk đã ổn định

Tại phiên họp, liên quan đến việc cử tri lo lắng về tình trạng mất an ninh trật tự tại Đắk Lắk, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Đắk Lắk, Bộ Công an đã chủ trì huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp truy kích, truy bắt. Đến nay Bộ Công an đã bắt trên 90 đối tượng và ra quyết định truy nã đặc biệt 5 đối tượng liên quan về các tội: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Không tố giác tội phạm; Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Qua khám nghiệm hiện trường, điều tra, có thể thấy đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có sự chỉ đạo, tiếp tay của các thế lực thù địch ở nước ngoài.

Ông Hùng thông tin, đến nay tình hình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên đã ổn định, hoạt động của người dân trở lại bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO