Chính trị

Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

H.Vũ 03/07/2024 10:52

Ngày 2/7, Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới mới”.

anh-bai-tren(2).jpg
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: VGP.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội (CSXH), tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo ông Sơn, bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường. Nhiều xu hướng mới xuất hiện như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cách mạng công nghiệp 4.0; những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng sâu sắc với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế nước ta. Tất cả những điều đó đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng CSXH và đặt ra những yêu cầu cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới đối với hoạt động tín dụng CSXH, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng CSXH.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, tại Kết luận 06 của Ban Bí thư đã yêu cầu các cấp uỷ chính quyền tạo điều kiện cho Ngân hàng CSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội, từng bước mở rộng đối tượng CSXH được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với các mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Để thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng xã hội theo chỉ đạo của Ban Bí thư, bà Giang kiến nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh rà soát nghiên cứu để triển khai 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu tổ chức bộ máy quản trị, nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng CSXH ở cả trung ương và các địa phương.

Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cần cho vay uỷ thác thông qua tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi địa phương cần căn cứ vào điều kiện phát triển, lợi thế tại mỗi địa phương để sử dụng vốn vay trong phát triển kinh tế nông nghiệp, làng nghề, du lịch, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó ông S kiến nghị, phải làm sao để hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh, nhất là các đối tượng thanh niên, lấy vai trò của doanh nghiệp là chuỗi hạt nhân.

Cùng quan điểm, GS.TS Trần Văn Phòng - Uỷ viên Hội đồng Lý luận trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Triết học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Bộ Chính trị cần ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH trong bối cảnh mới. Bởi kinh tế thị trường định hướng XHCN là một trong ba trụ cột quan trọng để xây dựng CNXH, gắn kinh tế với xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá trong suốt quá trình phát triển. Mục tiêu không chỉ là giảm nghèo, vì giảm nghèo chỉ là phần nổi trội lên. Nếu không giảm được nghèo thì không thực hiện được dân giàu, nước mạnh.

Kết luận hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06- KL/TW. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với tín dụng CSXH. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính, về đối tượng, địa bàn, mức cho vay, lãi suất vay. Cân đối, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, đồng thời thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác cho tín dụng CSXH.

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thực hiện tín dụng CSXH. Phát huy hơn nữa hiệu quả, vai trò của UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội và thực hiện các hoạt động nhận ủy thác. Nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng CSXH. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện tín dụng CSXH; chú trọng công tác sơ, tổng kết, nhân rộng các mô hình tốt, điển hình tiên tiến trong sử dụng hiệu quả vốn tín dụng CSXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội