Tinh hoa Việt

Nâng cao kỹ năng đương đầu và chịu đựng

MAI ANH 12/06/2024 17:20

Là một chuyên gia tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chỉ ra rằng, bây giờ các bạn trẻ đang sống trong một thế giới có rất nhiều áp lực và hoang mang.

pgs.ts-tran-thanh-nam-2.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam.

Họ kết nối với Internet nhiều thì càng có nguy cơ bị căng thẳng tâm lý khi chịu những lời chỉ trích, tấn công, bắt nạt ở trên mạng.

Thậm chí là so sánh mình với người khác khiến những điều muốn khẳng định ngày càng trở nên quá mức so với sức mà bản thân có được.

“Thời buổi bây giờ áp lực thì nhiều nhưng kỹ năng đương đầu và chịu đựng căng thẳng của người trẻ lại rất kém. Những đứa trẻ ngày nay được gia đình bao bọc quá kỹ, cho nên việc chịu khó, kiên trì để vượt qua những khó khăn là không có. Vì thiếu những trải nghiệm thực tế nên khi va vấp khó khăn sẽ nghĩ đến việc bỏ cuộc, trốn chạy nhiều hơn. Và ở một khía cạnh nào đó, khả năng chịu đựng, năng lực phục hồi sau mỗi lần thất bại của người trẻ cũng kém.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ cần có những kỹ năng để chăm sóc và "vệ sinh" sức khỏe tinh thần. Những cách thức rất đơn giản để loại bỏ các hormone gây stress đó là tham gia hoạt động ra mồ hôi, duy trì giấc ngủ chất lượng để đầu óc minh mẫn hơn và để không bị dẫn dắt bởi những cảm xúc tiêu cực.

Nên tham gia các hoạt động xã hội, kết nối với nhiều người để rèn một số kỹ năng giải quyết vấn đề, giảm những áp lực hoặc suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi về mặt nhận thức, suy nghĩ tích cực hơn. Mỗi sự việc bao giờ cũng có mặt tốt và xấu nhưng đừng chỉ chăm chăm vào cái xấu”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Tự tìm được lối thoát cho bản thân mới chính là sự chữa lành tự thân. Nên khi ta vẫn đi tìm sự chữa lành từ bên ngoài thì có lẽ bản thân ta chưa có được sự an yên. PGS.TS Trần Thành Nam cũng bày tỏ sự lo ngại khi thị trường đang loạn các dịch vụ chữa lành, thể hiện sự kết hợp hổ lốn của các kiến thức chắp vá, ví dụ như tâm linh, năng lượng trường sinh, chuyển hóa, vận động... Theo ông Nam, trên mạng Internet hiện nay có thực trạng nhiều người sau khi bị tổn thương tâm lý, khi học thêm một vài khóa học, họ phát hiện ra, "chữa lành" là một môi trường kinh doanh được. Do đó, họ bắt đầu quảng bá mạnh mẽ các khóa học, gây dựng cộng đồng chữa lành nhằm phát triển kế hoạch kinh doanh dựa vào từ khóa đang "hot" này nhưng không có bằng cấp cũng như được đào tạo chính quy.

Đưa thêm quan điểm về góc nhìn của mình, ông Nam cho biết, nhìn ra thế giới, tại nhiều nước, để có thể vận hành dịch vụ chữa lành, huấn luyện viên phải được đào tạo bài bản và khóa học cũng phải được kiểm duyệt một cách gắt gao. Nhưng nhận thức của người dân Việt Nam về sức khỏe tâm thần còn thấp.

Nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng không muốn gặp bác sĩ và tìm kiếm giải pháp ở nơi khác. Do đó, khi tìm kiếm các dịch vụ chữa lành, cần phải lựa chọn một cách cẩn thận, nên tới các bệnh viện uy tín để không mắc phải "bẫy" của những người không có đủ chuyên môn mà chỉ dựa vào từ khóa "chữa lành" để kiếm tiền.

Cũng từ đây, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý, đặc biệt với những người trẻ, bên cạnh việc tìm đến các lớp chữa lành, hiện còn rộ lên hình thức chữa lành tâm linh bằng việc bói bài tarot. Điều đó cho thấy nguy cơ bị stress và tổn thương sức khỏe tâm thần cao, và càng hoang mang lo lắng thì người trẻ lại càng có xu hướng tìm kiếm sự chắc chắn tạm thời (bằng xem bói, dự báo tương lai).

“Những người trẻ nhiều khi bị ảnh hưởng bởi truyền thông xã hội nhiều hơn là các thông tin khoa học vì vậy nhiều người có thể sẽ không biết đến các dịch vụ tư vấn tâm lý hay tự rèn luyện những kỹ năng để có thể tự tin ứng xử linh hoạt với mọi tình huống bất định. Và khi đã bị lệ thuộc vào những điều tâm linh thì lâu dần, nó làm bào mòn sự tự tin vào năng lực của cá nhân, khiến chúng ta lo lắng và trầm cảm nặng hơn khi đối diện với các tình huống khó khăn.

Thay vì kiên trì vượt khó thì nhiều bạn trẻ lại nghĩ rằng năm nay "bị hạn" cần ngồi im không làm gì cả. Dần dần, cuộc sống ngày càng bị trói buộc bởi các hình thức thực hành tâm linh, luôn bất an, ám ảnh nếu lá bài vô tri bỗng nói cho ta rằng có việc xấu nào đó sẽ xảy ra”, ông Nam nói.

Đưa lời khuyên cho người trẻ sớm thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực để tự chữa lành cho bản thân, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, việc rèn luyện tư duy mở (growth mindset) là cần thiết; nên tự rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản như giao tiếp, thuyết phục, năng lực số, năng lực làm việc nhóm, lãnh đạo để trở thành một người tự tin và biết tự định hướng. Hy vọng rằng một thế hệ Gen Z của tương lai gần sẽ mạnh mẽ, thoát khỏi những “bể sâu u tối” của tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao kỹ năng đương đầu và chịu đựng