Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội cho rằng, phải nâng cao kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm cho người dân khi có sự cố xảy ra. Thời gian tới phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về PCCC nói chung ở các tòa nhà chung cư cũng như công trình cao tầng.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội.
Theo ông Hoàng Quốc Định, tình hình cháy nổ vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, có dấu hiệu gia tăng trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội, cũng như liên quan đến môi trường cháy, chất cháy.
“Vừa qua xảy ra một số vụ cháy lớn đặc biệt nghiêm trọng như vậy, chúng tôi cho đó là sự cảnh báo, cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người dân, cũng như cơ quan quản lý nhà nước để tránh việc xem nhẹ, coi thường, chủ quan công tác PCCC trong sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Tướng Định nói.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, ông Định cho rằng, phải tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho người dân, người đứng đầu cơ sở sản xuất, cũng như cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Cùng với đó, phải nâng cao kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm cho người dân khi có sự cố xảy ra.
“Thời gian tới phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về PCCC nói chung ở các tòa nhà chung cư cũng như công trình cao tầng. Các hạng mục phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra cháy nổ, cũng như thoát nạn, thoát hiểm phải bảo đảm tốt nhất”, Thiếu tướng nêu rõ quan điểm.
Cũng theo ông Định, cơ quan Cảnh sát PCCC Hà Nội xác định, chung cư, cũng như công trình cao tầng nói chung là những cơ sở trọng điểm có tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao và nếu xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng. Do vậy, các ngành chức năng phải chủ động, tích cực kiểm tra, rà soát tất cả các công trình đã đưa vào sử dụng hoặc đang xây dựng để mọi vấn đề liên quan đến công tác PCCC đều phải đảm bảo đúng quy chuẩn.
“Chúng tôi đã báo cáo, đề xuất UBND TP chỉ đạo các đơn vị chức năng không cấp điện, nước cho các công trình không đảm bảo. Đây là việc làm cần thiết để chủ đầu tư nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC. Theo tôi biện pháp kiểm soát điện, nước là “cái gậy” cho công tác quản lý chung cư cũng như tòa nhà cao tầng”, ông Định cho hay.
Còn với người dân, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khuyên, nên có ý thức tự trang bị cho mình kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm như việc mua các thiết bị (mặt nạ chống độc, thang dây, ống tụt…) bởi đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực.
“Các tòa nhà cũng phải ứng dụng công nghệ để hỗ trợ cảnh báo khói, cảnh báo cháy sớm để người dân biết, chủ động thoát nạn một cách nhanh nhất. Ứng dụng này còn có tác dụng báo cho lực lưỡng chữa cháy tại chỗ cũng như chuyên nghiệp có điều kiện tiếp cận nhanh nhất để chữa cháy, cứu hộ người dân thoát nạn nhanh nhất”, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội nêu rõ.
Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội vừa giám sát việc thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Qua giám sát cho thấy, có khá nhiều bất cập trong công tác PCCC. Với những nhà sử dụng đã lâu, thì hệ thống PCCC có nhưng nay không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả, do chủ đầu tư khi thi công không chấp hành đúng quy định của Luật PCCC và việc kiểm tra, bảo dưỡng, bảo hành gần như không có. Còn những tòa nhà mới xây gần đây, do Luật PCCC quy định chặt chẽ, nên khi kiểm tra, nghiệm thu PCCC thì chấp hành, nhưng sau đó không thay thế, đầu tư, bảo dưỡng. Như một số tòa chung cư ở khu Trung Hòa- Nhân Chính khi kiểm tra các đường ống lâu không vận hành, đã bị bục hết. Nhiều nơi, khi xây dựng có thiết kế lối vào xe chữa cháy rõ ràng, nhưng xây xong lại cơi nới, trông giữ xe… làm mất lối vào. Hay hệ thống nước chữa cháy, vào mùa hè, nước sinh hoạt còn yếu nói gì đến nước chữa cháy…. Đáng chú ý, dù nhiều tòa chung cư trên địa bàn TP tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy, nhưng người dân cũng không mặn mà về vấn đề này. |