Theo TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam, với công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay, vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam ở cơ sở ngày càng có ý nghĩa thiết thực, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nông thôn. Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác này, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nhận thức của các cấp chính quyền về vị trí, vai trò của công tác Mặt trận, đặc biệt đối với Mặt trận cấp cơ sở.
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam trong xây dựng NTM ở nước ta hiện nay?
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC: Giám sát là khâu đặc biệt quan trọng trong xã hội hiện đại khi nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần xã hội ngày càng cao. Hiện nay, yêu cầu về sự công bằng, minh bạch, có hiệu quả trong mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức là yêu cầu được luật hóa, do đó việc giám sát là thực sự cần thiết.
Từ bức tranh chung của nông thôn cũng có thể nhìn thấy rõ sự vào cuộc khá sôi nổi của các địa phương, trong đó MTTQ các cấp với chức năng giám sát của mình đã cho thấy nhiều kết quả tích cực. Tại nhiều địa phương, MTTQ cấp cơ sở đã phối hợp khá tốt với các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức nhiều đoàn giám sát những vấn đề nổi cộm tại cơ sở.
Sự “sát cơ sở, sát việc” của Mặt trận trong giám sát đã giúp phát hiện và kiến nghị những vấn đề sát với thực tế và có ý nghĩa to lớn trong xây dựng NTM. Cụ thể như kiến nghị không quy định cứng nhắc về xây dựng chợ là kiến nghị có ý nghĩa từ cơ sở. Hay phát hiện nhiều địa phương chạy theo thành tích, huy động vượt khả năng chi trả của địa phương gây tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM cũng là phát hiện có ý nghĩa thiết thực.
Nhờ những kiến nghị và phát hiện chính xác, sát với thực tế mà Nhà nước đã có những điều chính phù hợp, đến nay công cuộc xây dựng NTM đã có những kết quả rất đáng ghi nhận. Chính sách đúng và thực thi có hiệu quả đã đem lại kết quả có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đổi mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thành tựu to lớn ấy có sự đóng góp của công tác giám sát của MTTQ các cấp, trong đó có MTTQ cấp cơ sở.
Có thể nói giám sát của MTTQ cấp cơ sở đã có bước tiến lớn so với trước đây. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu của tình hình mới, thực tế hoạt động giám sát của Mặt trận các cấp đang tồn tại những hạn chế, bất cập gì, thưa ông?
- Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất nằm ở nhận thức chứ không phải vấn đề về lực lượng. Mặt trận có Ban công tác Mặt trận tại thôn, bản, phường, xã trong khi các tổ chức khác chưa có.
Hiện nay, tại một số địa phương, các cấp ủy Đảng và chính quyền chưa đánh giá đúng mức về sự cần thiết của công tác giám sát của MTTQ cấp cơ sở. Hệ quả là ở đâu cấp chính quyền không quan tâm thì MTTQ cấp cơ sở không năng động, chủ động dẫn đến kinh phí đã hạn chế càng hạn chế không đủ để tổ chức giám sát theo đúng nghĩa của công tác này. Chuyên gia thiếu, kinh phí thiếu, MTTQ cấp cơ sở thiếu tự tin tổ chức giám sát.
Bên cạnh đó, một số nơi cán bộ chủ chốt của MTTQ cấp cơ sở kiêm nhiệm nhiều việc, dẫn đến công tác Mặt trận chưa được coi trọng, bởi vậy việc giám sát nói chung và giám sát công tác xây dựng NTM chưa được quan tâm đúng mực.
Trên thực tế, nhiều vụ việc còn tồn tại như đất nông nghiệp bị bỏ hoang vì công tác dồn điền, đổi thửa còn dang dở. Hay việc giám sát các mô hình hỗ trợ người nông dân phát triển nông nghiệp, hỗ trợ người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình,... cũng cần có sự vào cuộc tích cực hơn. Nếu công tác giám sát của Mặt trận được quan tâm thực hiện hơn sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nóng tại địa phương, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho người nông dân.
Về bản chất, giám sát không phải chỉ tìm cái xấu, mà là sự đánh giá tổng quát về mặt tích cực cũng như tiêu cực, hạn chế, khác với công tác thanh tra, kiểm tra. Với ý nghĩa đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm sâu sắc hơn đến chức năng này của Mặt trận.
Vậy MTTQ cấp cơ sở cần phải làm gì để công tác giám sát xây dựng NTM sáng tạo và hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, thưa ông?
- Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu cấp ủy coi trọng công tác Mặt trận, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, ở đó hoạt động của MTTQ cấp cơ sở có hiệu quả, đoàn kết nội bộ được giữ vững, tham nhũng, sai phạm được ngăn chặn kịp thời, hiệu quả xây dựng NTM được nâng cao, đoàn kết cộng đồng được củng cố vững chắc. Tôi cho rằng, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nhận thức của các cấp chính quyền về vị trí, vai trò của công tác Mặt trận, đặc biệt đối với MTTQ cấp cơ sở.
Về phía Mặt trận, người đứng đầu phải là người thực sự có uy tín, chủ động trong công tác nói chung, có tiếng nói trong cộng đồng, công tác giám sát xây dựng NTM, từ đó sẽ nhận được ủng hộ của các cấp ủy đảng và nhân dân.
Đồng thời, MTTQ cần tổ chức các cuộc “giám sát của giám sát” vừa nắm tình hình cơ sở, vừa làm mẫu và khích lệ cơ sở trong công tác giám sát, đánh giá phong trào cơ sở sát với thực tế, hiệu quả. Những kiến nghị sau giám sát cần được chú trọng thực hiện, bởi đây là những ý kiến xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng cần được giải quyết của nhân dân.
Trân trọng cảm ơn ông!