Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn.
Đâu là nguyên nhân cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, nhiều đại biểu (ĐB) tập trung xung quanh giải pháp kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản và công tác giám định tư pháp.
Bảo đảm an ninh lương thực
Trả lời chất vấn của ĐBQH về an ninh lương thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện nêu rõ, ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực, đồng thời không gây sốc cho thị trường nội địa hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bộ Công thương và Bộ NNPTNT đang quán triệt để thực hiện tốt Công điện này.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, trong điều kiện hiện nay, nếu không có thiên tai, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo tiêu dùng trong nước cũng như sản lượng xuất khẩu.
Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Long) cho biết, theo báo cáo của Bộ Tư pháp hiện nay còn một số nơi có cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu về công tác xây dựng thể chế. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới” - ông Bình nói.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, vấn đề sợ trách nhiệm là có. Việc này cũng đã nói rất nhiều nhưng khó lượng hóa. Theo ông Long, trong thực tế có một số trường hợp không làm được hoặc ngại thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật hoặc có trường hợp cực đoan thì có quan điểm khác. Bộ Nội vụ cũng được giao soạn thảo ban hành một số quy định để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trả lời thêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng đây là nhiệm vụ cần phải thật sự quyết tâm để không còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm và không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Bộ Nội vụ đang cố gắng hoàn thiện Nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tháng này có thể xong để ban hành. Đó là trước mắt còn sau này trên cơ sở sửa đổi một số những luật quan trọng thì có thể sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản, căn cốt trong việc thực hiện phân cấp, phân quyền, hay những rào cản vướng mắc trên một số các lĩnh vực để đảm bảo cho cán bộ thuận lợi trong việc thực thi công vụ.
ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn không ít vụ án chậm bị xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không bị thu hồi.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, đây là việc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực hết sức quan tâm và có các chỉ đạo rất cụ thể. Trong các hoạt động giám định có yêu cầu các cơ quan trưng cầu giám định phải đúng phạm vi, đúng thẩm quyền. Người dùng các biện pháp về mặt kỹ thuật để trì hoãn việc giám định cũng phải chịu trách nhiệm. Khi áp dụng kỷ luật Đảng, chúng ta sẽ làm một cách nghiêm túc hơn.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát quyền lực, cũng như vấn đề tham gia giám sát của nhân dân mà ĐB Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đặt ra, ông Long cho biết, qua góp ý của nhân dân, các cơ quan đã được thiết kế tương đối ổn. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua khi công bố các dự thảo dự án lên cổng thông tin thì nhân dân chưa quan tâm nhiều. “Có những trường hợp sau một thời gian nhất định mở ra thấy trắng tinh, dưới không có gì cả. Một số cơ quan, doanh nghiệp hoặc các chủ thể khác thường chỉ quan tâm đến lĩnh vực của người ta. Đấy là thực tế” -ông Long cho biết.
Về giải pháp, ông Long cho biết đang nghiên cứu sửa đổi pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trước hết là Nghị định 34, Nghị định 154 đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cụ thể sẽ khu biệt các nội dung, các cơ quan chủ trì soạn thảo phải công bố để lấy ý kiến, phải tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo để thu hút được các ý kiến tham gia của nhân dân. Bên cạnh đó, phải tăng cường vai trò truyền thông về chính sách.
Cần cộng đồng cùng quản lý các nguồn lợi thủy sản
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả và trách nhiệm triển khai việc tổ chức điều tra, xác định, ban hành danh mục bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Luật Thủy sản 2017?
Xây dựng chức danh “pháp chế viên”
Trả lời chất vấn của ĐBQH liên quan đến nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nếu so sánh với khối lượng công việc của các bộ, ngành hiện nay có thể thấy số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực này rất mỏng, rất ít. Một số bộ, ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, trong đó điều quan trọng nhất là xây dựng chức danh “pháp chế viên” từ đó có cơ sở xây dựng chính sách cho đội ngũ này.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, có một đại biểu ở địa phương ven biển miền Trung đã gửi cho ông câu hỏi khi ra chợ thấy những con cá nhỏ, vòng đời ngắn. “Đại biểu hỏi ăn kiểu tận diệt như vậy thì làm sao nảy nở được nữa?”. Luật lệ đã quy định rõ từng kích thước mắt lưới để không tận diệt, bắt cá non, bắt cá nhỏ. Nhưng những việc phát sinh hàng ngày ở nhiều nơi thì không có lực lượng kiểm tra” - ông Hoan nói và cho rằng cần cộng đồng cùng quản lý các nguồn lợi thủy sản, phát hiện vi phạm, chứ không có lực lượng nào ở từng con sông con rạch để phát hiện.
ĐB Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết, thủy sản Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng gây ảnh hưởng rất lớn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp?
Trả lời, ông Hoan cho biết đã họp với hiệp hội ngành hàng. Nếu doanh nghiệp vẫn còn thu mua thủy sản trôi nổi thì khó xử lý. “Chúng ta kiểm tra đủ điều kiện về thiết bị hành trình mới cho khai thác. Nhưng ra tới biển là chuyện khác, có tàu có 2 thiết bị hành trình, hoặc tắt thiết bị hành trình. Bà con nêu lý do hỏng thiết bị. Các địa phương cũng đang lúng túng trong việc xử phạt” - Bộ trưởng nói.
Thống nhất với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc “gỡ thẻ vàng” không chỉ là mục tiêu duy nhất mà quan trọng là cải thiện môi trường biển, tuy nhiên ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, vì lợi ích kinh tế, vì mưu sinh, việc đánh bắt thủy hải sản hiện nay đã làm cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, môi trường biển bị ảnh hưởng.
Về quy hoạch khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Hoan cho biết, có 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác, nuôi trồng, bảo tồn. Bộ cũng đã có quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cũng quy hoạch được 11/17 khu bảo tồn biển. Tuy nhiên về nguồn lực đầu tư cũng chưa thỏa đáng. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, số khu bảo tồn biển phải chiếm 6% diện tích mặt biển nhưng đến này mới chỉ đạt 0,17%.
“Làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển được các khu bảo tồn biển sẽ không chỉ mang lại giá trị kinh tế, giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt. Cấu trúc ngành thủy sản nước ta còn manh mún, do đó, các cơ quan phải cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm, cùng với ngư dân, những người tham gia hậu cần ngành thủy sản và các hiệp hội ngành hàng mới có thể quản lý được tốt” - ông Hoan nói.
Một hình thức giám sát hiệu quả
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm cao, phiên chất vấn đã kết thúc tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, từ chất vấn của các ĐBQH nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được kịp thời xem xét giải quyết. Nhiều chủ trương chính sách đã được ban hành góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội. Thông qua chất vấn phát hiện các vấn đề bất cập hạn chế trong thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục hạn chế tồn tại, tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát rất có hiệu quả của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với các giải pháp mà các bộ trưởng đã cam kết với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các vị ĐBQH - lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của ngành Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, đi vào thực chất hơn, vượt qua những khó khăn thách thức.