Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

THÀNH LUÂN 27/10/2023 07:00

Việc Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM kỷ luật và khai trừ ra khỏi Đảng nhiều cán bộ, đảng viên cho thấy nỗ lực rất lớn của TPHCM với quyết tâm làm trong sạch bộ máy chính quyền, lấy lại niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo (ngày 26/10) nhằm tăng cường vai trò người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo thường niên về “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” (PCI) cấp tỉnh, thành năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố và xếp hạng, đã chứng kiến PCI của TPHCM bất ngờ giảm tới 13 bậc (14 xuống 27). Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh của TPHCM bị đánh giá thấp, do doanh nghiệp chấm điểm rất thấp các bất cập về chi phí gia nhập thị trường và “tiếp cận đất đai”. Kế đến, tâm lý sợ làm sai, sợ chịu trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền, cũng đã khiến nhiều hồ sơ hành chính bị tồn đọng, quá trình khắc phục kéo dài.

Chính lãnh đạo Sở Nội vụ cũng thừa nhận, những năm qua, dù thành phố đã tập trung quyết liệt vào công tác cải cách hành chính, song việc mỗi năm thành phố phải giải quyết hơn 20 triệu hồ sơ là một áp lực rất lớn. Và dù, số trễ hẹn là hơn 20.000 hồ sơ nhưng vẫn chưa được lãnh đạo thành phố hài lòng, một trong các nguyên nhân chính là sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ. Theo đó, người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính bởi các tồn tại, bất cập kéo dài.

Đứng trước việc các chỉ số về năng lực cạnh tranh cũng như chỉ số niềm tin về môi trường đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp xuống thấp, TPHCM coi việc trong sạch hóa bộ máy đặt lên hàng đầu, trong đó có trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hành động quyết liệt đầu tiên có thể kể tới việc vào cuối tháng 9/2023, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã công bố việc kỷ luật, nhiều đảng viên và tổ chức đảng.

Đáng chú ý, trong số này có các ông Nguyễn Hữu Anh Tứ - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Cơ quan chức năng đã thẳng thắn chỉ ra, việc một số cán bộ, đảng viên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhưng đã gây dư luận không tốt, làm phát sinh đơn tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Có cán bộ được giao chịu trách nhiệm chính trong quản lý lĩnh vực đất đai, quản lý xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư ở địa phương nhưng đã không thể hiện được năng lực, để xảy ra tiêu cực, từ đó gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và công tác cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực được giao trọng trách.

Quyết tâm làm trong sạch bộ máy chính quyền các cấp của TPHCM còn được thể hiện khi giữa tháng 10/2023, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành kết luận liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Theo đó sẽ xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo thiếu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng giải ngân đầu tư công thấp. Cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị thành phố, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Có thể nói, với quyết tâm rất cao để xây dựng hình ảnh một TPHCM “cùng cả nước, vì cả nước” và vì một thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố sẽ được giám sát và yêu cầu thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành. Đây cũng là mô hình, cách làm quyết liệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu