Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến về định hướng phát triển ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 54 tỷ USD trong năm 2023.
Nhìn lại kết quả đạt được, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong năm 2022 ngành nông nghiệp có tới 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/nhóm hàng. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2022, xuất siêu ngành nông nghiệp ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Những con số tăng trưởng cho thấy, nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển hướng khai thác sâu vào gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới biến động sâu sắc, việc tiếp tục đạt giá trị xuất khẩu cao kỷ lục càng làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành, không chỉ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo an ninh lương thực, an toàn xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, năm 2023, dự báo nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, toàn ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CTPPP cho hàng nông sản Việt Nam.
Nhấn mạnh ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tái cơ cấu theo hướng đi sâu hơn nữa vào phát triển chất lượng trong năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ vấn đề này cần được triển khai bằng cách nâng cao nhận thức, tư duy cho người dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao kỹ thuật canh tác gắn với chuyển đổi số, chuyển từ sản xuất đơn giá trị sang đa trị. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Đồng thời, tích cực trong công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2023 là mở cửa thị trường quốc tế thông qua việc tận dụng các FTA thế hệ mới, tháo gỡ rào cản thương mại ở thị trường mới, vượt qua hàng rào kỹ thuật của thị trường khó tính. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng cần chú trọng hơn thị trường trong nước, giúp người dân được sử dụng nhiều sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.