TPHCM đang giữ kỷ lục là địa phương 8 năm liên tục có điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh đứng đầu cả nước.
Phân hóa rõ nét theo vùng miền
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, TPHCM có điểm trung bình môn Tiếng Anh là 6,73, giảm nhẹ so với năm 2023 (6,76 điểm) và cao hơn năm 2022 (6,39 điểm). 3 địa phương có điểm Tiếng Anh xếp thứ 2, 3, 4 lần lượt là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội. Những cái tên còn lại trong top 10 gồm Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình. Thí sinh các tỉnh này đều có điểm trung bình môn Tiếng Anh từ 5,83 trở lên.
Thực tế, phổ điểm năm nay cũng không làm nhiều người bất ngờ vì thống kê các năm qua, phổ điểm luôn thể hiện khá rõ nét tình trạng phân hoá theo vùng miền. Các địa phương có điểm trung bình môn Tiếng Anh cao phần lớn đều là những nơi có điều kiện kinh tế xã hội phát triển. Đơn cử, TPHCM đã 8 năm liên tục có điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh đứng đầu cả nước. Trong khi đó, 10 tỉnh, thành có điểm trung bình tiếng Anh thấp nhất vẫn là những cái tên quen thuộc, đa số ở miền núi phía Bắc. Hà Giang nhiều năm liền đứng cuối và tiếp tục là địa phương duy nhất cả nước có điểm trung bình môn này dưới 4.
Sự chênh lệch về phát triển kinh tế, xã hội giữa khu vực đồng bằng, thành thị với vùng nông thôn, miền núi đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế, yếu kém trong việc dạy và học ngoại ngữ. Không chỉ thiếu thốn về trang thiết bị vật chất, môi trường học ngoại ngữ, vấn đề giáo viên (GV) cũng là một bài toán nan giải với nhiều địa phương, nhất là những địa phương vùng núi cao, xa xôi, hẻo lánh. Năm học 2023 - 2024 toàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chỉ có 17 GV tiếng Anh. Do thiếu GV nên huyện phải bố trí dạy liên trường, kinh phí dạy thừa giờ được tính theo chế độ trợ giảng. Nhiều địa phương cũng đang không có nguồn tuyển GV môn tiếng Anh để đảm bảo yêu cầu dạy học theo chương trình GDPT 2018.
Đa dạng giải pháp
Lý giải việc luôn giữ vững vị trí đầu bảng môn Tiếng Anh nhiều năm qua, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, các điều kiện học tiếng Anh rất tốt. Phụ huynh quan tâm và đầu tư cho việc học của con em mình. Ngoài ra, tại thành phố, 90% học sinh đã được học tiếng Anh ngay từ lớp 1, còn theo chuẩn của Bộ GDĐT thì lớp 3 mới bắt buộc học tiếng Anh.
Sở GDĐT Vĩnh Phúc cho biết, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường, rất nhiều giải pháp đổi mới đã được triển khai, từ xây dựng chính sách, đề án dạy học cho đến kỹ thuật luyện thi môn tiếng Anh. Cụ thể, từ năm 2021, Sở đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường có quản lý, giám sát theo tiêu chuẩn ISO giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, hơn 90% GV tiếng Anh các cấp học đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo quy định, trong đó có 23,4% GV tiếng Anh các cấp học đạt chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế IELTS, 120 GV đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên.
Đáng chú ý, để xây dựng môi trường dạy học tiếng Anh, hàng năm các sở GDĐT ban hành kế hoạch hoạt động cho 24 câu lạc bộ GV tiếng Anh ở cả cấp tiểu học, THCS và THPT. Các trường đều thành lập câu lạc bộ tiếng Anh cho học sinh… Ngoài chương trình bắt buộc của Bộ GDĐT có môn Ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, hơn 60% học sinh lớp 1 và lớp 2 của Vĩnh Phúc đã được học môn Tiếng Anh tự chọn…
Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh số lượng GV thì chất lượng cũng là yếu tố cần được quan tâm để nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên. Bộ GDĐT từng chỉ ra tại những vùng khó khăn như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Quảng Nam… có tỷ lệ GV đạt chuẩn năng lực tiếng Anh còn thấp, dẫn đến điểm số môn học này nhiều năm qua chưa được cải thiện nhiều.
Nhiều địa phương đã sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng này. Như Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức rà soát, đánh giá GV tiếng Anh theo chuẩn quốc tế từ năm 2020 nhằm phân lớp, tiếp tục đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho những GV dạy tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam.
Từ phía ngành giáo dục, Bộ GDĐT đã có nhiều đầu tư cho việc dạy và học môn Tiếng Anh từ nhiều năm qua nên trường phổ thông gặp rất nhiều thuận lợi. Trong đó, Đề án Ngoại ngữ quốc gia đã được triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, nhiều hoạt động đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua như phát triển chương trình giáo dục, cải thiện hình thức đánh giá và kiểm tra, đào tạo GV, phát triển tài liệu… Đồng thời cũng cần sự chung tay của mỗi gia đình, người học, nhận thức rõ về vai trò của tiếng Anh trong thời kì hội nhập quốc tế.