Thiên tài chỉ có 1% do năng khiếu bẩm sinh còn 99% là do lao động. Câu này được dịch vào nước ta từ nửa thế kỷ nay và được nhiều người coi như là chân lý. Thoạt nghe thì đúng, nhưng ngẫm kỹ thì thấy không ổn.
Minh họa: Daniel Garcia
Năng khiếu bẩm sinh và sự đắp bồi
Một danh nhân ở nước ngoài có nói: Thiên tài chỉ có 1% do năng khiếu bẩm sinh còn 99% là do lao động. Câu này được dịch vào nước ta từ nửa thế kỷ nay và được nhiều người coi như là chân lý. Thoạt nghe thì đúng, nhưng ngẫm kỹ thì thấy không ổn.
Danh ngôn ấy được dịch và lưu truyền trong xã hội vào hoàn cảnh đất nước mới giành được độc lập, dân ta còn nghèo, tri thức còn ít nên cả xã hội phải dốc sức lao động làm ra của cải vật chất. Đó cũng là hoàn cảnh ra đời của "Bài ca vỡ đất": Bàn tay ta làm nên tất cả / Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Lao động thì đúng rồi, ai cũng phải lao động. Nhưng lao động nhiều có thành thiên tài không? Đã có một thời chúng ta từng chỉ ra: "Nhiệt tình cách mạng cộng với sự ngu dốt thì bằng phá hoại" đấy thôi. Tôi buồn cười khi nghe nói làm thơ là phu chữ mà gần đây vẫn có người cổ vũ. Quan niệm này bị tư tưởng cũ thời bao cấp chi phối nặng nề.
Sự lao động vất vả không mấy có tác dụng trong sáng tạo văn chương nghệ thuật. Loài chim sơn ca nó tự hót hay đấy chứ, đâu phải từ chim sẻ lao động, rèn luyện mà thành? Các loài hoa cũng tự nó sinh ra đã đẹp chứ đâu phải luyện tập gì? Thần đồng thơ Mỹ Mattie Stephanlk và Trần Đăng Khoa nổi tiếng khi còn dưới 10 tuổi thì đâu phải do rèn luyện? Vì thế tôi rất sợ phong trào tập làm thơ, tập viết văn. Không thể tập mà thành được đâu! Không thể lao động nhiệt tình mà thành được. Tài năng cho đến nay vẫn là một sự bí ẩn đối với con người. Nếu không có tài mà lao động nhiều thì sẽ sản sinh ra hàng đống những sản phẩm vô nghĩa. Không thể cứ lao động 99% thì cái mầm năng khiếu bẩm sinh 1% kia sẽ phát triển thành thiên tài.
Thiên tài phát triển từ năng khiếu bẩm sinh do liên tục được chăm bón, bồi đắp. Chính sự chăm bón, bồi đắp mà mầm năng khiếu lớn dần, cao to và thành cổ thụ. Lao động chỉ là quá trình chuyển đổi chất thành sản phẩm. Còn quá trình nạp chất mới là quá trình quyết định đối với những tài năng. Tất nhiên trong quá trình lao động thành sản phẩm cũng có một phần tác dụng nạp chất. Đó là một quan hệ biện chứng. Nhưng các nhà lý luận thì phải rạch ròi chỉ ra những quá trình ấy, không được nhầm lẫn. Biết bao năng khiếu bẩm sinh về mọi lĩnh vực đã không phát triển thành tài năng và thiên tài. Ta chỉ lấy ví dụ hẹp trong lĩnh vực sáng tạo văn chương nghệ thuật. Có những năng khiếu bẩm sinh làm thơ, ca hát bị cha mẹ nhồi, bắt lao động nhiều đã chết yểu.
Có những mầm đã thành cây rồi nhưng không lớn được. Không phải do họ lười không chịu lao động, mà có trường hợp là do chăm quá, lao động nhiều quá nhưng chỉ toàn ra những sản phẩm tồi không thể tiêu thụ được. Lứa năng khiếu làm thơ cùng với Trần Đăng Khoa có đến hàng mấy chục em: Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên, Cẩm Thơ, Chu Hồng Quý… và sau một chút có Ngô Thị Bích Hiền. Rồi thế hệ viết văn làm thơ 7x, 8x, 9x một số người được lăng xê quá, xong rồi cũng chết như ngả rạ. Họ chết không phải do họ không lao động. Mà do họ không được nuôi, không được chăm đúng cách mà chỉ được thổi như bong bóng hoặc được kích thích bằng thuốc tăng trọng.
Và cũng rất tiếc, nhiều tài năng sau khi đã được khẳng định lại được bứng sang một môi trường khác; trông có vẻ cao sang hơn, nhưng không phải môi trường quen thuộc để nạp chất phù hợp cho sự phát triển, nên đã héo úa, lụi tàn trong sáng tạo văn chương nghệ thuật.
Tác phẩm đầu tay
Nhiều người thường cho rằng mối tình đầu là mối tình đẹp nhất. Có thể là thói quen nói theo nhau. Cũng có thể từ tâm lý: Con cá mất là con cá to, bởi ta chẳng biết nó là thế nào. Tôi thấy có điều gì không phải ở đây! Mối tình đầu thì thường nông cạn, như gió thoáng qua. Có thể đẹp một cách ngây thơ nhưng sự sâu nặng thì chưa có. Mà một mối tình thực sự đẹp phải là mối tình vừa thơ mộng vừa sâu nặng. Thế thì tình nghĩa tao khang vợ chồng sâu nặng mới là đẹp nhất chứ. Đó là mối tình đơm hoa kết trái và gieo hạt cho mùa sau. Nhà thơ thiên tài Pêtôphi của Hunggari không giấu diếm điều này: "Người tình đầu của tôi đã nghỉ yên dưới mộ/ Nỗi đau tôi như ánh trăng trong nấm mộ đêm đen/ Tình yêu mới của tôi đã lên rồi như vầng dương rực rỡ/ Ánh trăng ư… đã tan dần trước uy lực của vầng dương". Có mối tình đầu nào đẹp bằng mối tình vợ chồng của nhà thơ Tú Mỡ sau gần nửa thế kỷ chung sống hạnh phúc. Ở vào tuổi "cổ lai hy", tình yêu của ông bà vẫn đẹp thế, khi ông nhìn bà: "Đâu bóng dáng con người thùy mị/ Tuy tuổi già xấp xỉ bảy mươi/ Vẫn còn khỏe mạnh vui tươi/ Le te, nhanh nhẹn như thời xuân xanh/ Nhìn sau lưng vô tình cứ ngỡ/ Một cô nào thiếu nữ thanh tân" (Khóc người vợ hiền). Từ suy nghĩ trên tôi thấy thói quen nói theo nhau đã hạn chế rất nhiều những phát minh sáng tạo. Nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Có nhiều người cho rằng tác phẩm đầu tay của nhà thơ nhà văn khi viết tự nhiên chưa bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng và dư luận xã hội là những tác phẩm hay nhất. Từ quan niệm đó, cộng với sự mặc cảm với nền văn chương cách mạng, họ đã đưa ra nhận xét rằng tác phẩm hay nhất của Tố Hữu là Từ ấy, của Chế Lan Viên là Điêu tàn, của Huy Cận là Lửa thiêng, của Tô Hoài là Dế mèn phiêu lưu ký, của Nguyên Hồng là Bỉ vỏ… Tôi xin khẳng định rằng đó là một lối nói cực đoan. Tập thơ Từ ấy của Tố Hữu làm sao có thể so sánh với các tập thơ có những kiệt tác: "Việt Bắc", "Ta đi tới", "Việt Nam máu và hoa","Bác ơi" và "Nước non ngàn dặm" của ông sau này? Còn trước khi hoàn thành Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã viết nhiều bài thơ khác. Văn hào Lép Tônxtôi cũng viết bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình sau nhiều tác phẩm của ông. Những người khốn khổ đâu phải là tác phẩm đầu tay của Víchto Huygô?...
Văn học nghệ thuật là một lĩnh vực sáng tạo, chẳng có quy luật cụ thể nào. Tác phẩm đầu tay có thể là tác phẩm lớn nhất của nhà văn này, đối với nhà văn khác nó lại là tác phẩm non nớt buổi đầu tập viết. Tuy vậy, đối với mọi nhà thơ nhà văn, hướng tới một tác phẩm để đời luôn luôn được đặt ra, giống như mỗi người phải phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc của cuộc đời mình, chứ đừng vơ vẩn với mối tình đầu. Dừng lại không vượt qua được tác phẩm đầu tay là sự đau khổ của nhà văn. Ở một chừng mực nào đó thì đó là sự kém tài năng và bản lĩnh. Cứ theo sự quan sát của tôi thì có tới trên tám mươi phần trăm các nhà thơ nhà văn cổ kim Đông Tây, tác phẩm để đời của họ không phải là tác phẩm đầu tay. Ở tác phẩm Tản mạn nghiệp văn tôi đã viết bài "Câu thơ mang kinh nghiệm sống một đời". Giở tập kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại, tôi thấy một nhà thơ được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cũng tâm sự "Tôi rất tin: thơ là kinh nghiệm sống". Kinh nghiệm sống tất nhiên không có nhiều trong tác phẩm đầu tay.
Tuy nhiên thành công ở mức độ khác nhau của tác phẩm đầu tay đã khẳng định con đường văn chương của nhà văn. Sáng tạo văn chương cũng có sức quyến rũ, mê hoặc. Sau thành công của tác phẩm đầu tay sẽ cho nhà văn sự hăm hở và sức sáng tạo mới. Vượt lên hay dừng lại hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng và bản lĩnh của nhà văn. Mà bản lĩnh nghệ thuật thì không phải chỉ là sự dũng cảm. Bản lĩnh nghệ thuật đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của nhà văn trong đó tiềm năng sáng tạo, kinh nghiệm sống và hệ thống thẩm mỹ đóng vai trò rất quan trọng.
Những tác phẩm nghệ thuật thành công bao giờ cũng có sự chuẩn bị tích lũy của rất nhiều yếu tố. Tác phẩm đầu tay mà thành công, đó là sự tích lũy của những năm trước khi bắt tay vào viết, chứ hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Nhưng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sáng tác của mỗi nhà văn một khác, không thể đo bằng thời gian ngắn dài. Thì ông cha ta đã nói qua sáng tạo sức mạnh của hình tượng Phù Đổng đấy thôi: "Ba năm không nói không cười/ Bỗng nhiên đứng dậy vươn người lớn cao". Tôi mường tượng những tác phẩm để đời của mỗi nhà văn cũng thường được hình thành có bóng dáng giống như thế.