Năng lực cạnh tranh nhìn từ hệ thống tài chính

M.Loan 08/06/2015 10:42

Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Trong quá trình hội nhập với nhiều lợi thế cũng cần nhận diện một mô hình tăng trưởng, cần đặt vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng trong mối quan hệ với hệ thống tài chính toàn cầu- GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của V

Năng lực cạnh tranh nhìn từ hệ thống tài chính

Quang cảnh diễn đàn

Diễn đàn do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 7-6, tại Hà Nội, có sự tham gia của 100 chuyên gia người Việt trong và ngoài nước với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng tham dự.

Tăng sức đề kháng cho thị trường tài chính

Bàn về “Cải cách trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam”, GS Nguyễn Đức Khương (IPAG Business School - Pháp) sau khi phân tích hệ thống tài chính thế giới đã cho rằng, đặt Việt Nam trong sự vận động chung của hệ thống tài chính quốc tế có 4 điểm đáng lưu ý, đó là: Sự mất cân đối của thị trường vốn với sự chi phối gần như tuyệt đối của khu vực ngân hàng; thị trường chứng khoán vẫn còn non trẻ và đang ở giai đoạn mới nổi, chưa được doanh nghiệp trong nước coi như một nguồn vốn ổn định và hiệu quả; nguyên nhân chủ yếu là các tổ chức tài chính còn chưa đạt đến độ chắc chắn cần thiết, các định chế quản lý tài chính còn chưa sát thực với điều kiện thị trường, chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước; thị trường đang có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài do nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định và có sức “đề kháng” tốt đối với ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới; quá trình tự do hóa tài chính đã diễn ra ở cả hai cấp độ (trong nước và quốc tế), nhưng tiến trình mở cửa thị trường chưa được rõ ràng.

Từ đó, GS Khương cho rằng, để có một thị trường tài chính ổn định, hấp dẫn đối với các chủ thể kinh tế và có khả năng “đề kháng” với những cú sốc đến từ nội bộ nền kinh tế và đến từ bên ngoài, có 3 nhóm giải pháp: Tạo dựng, củng cố lòng tin lâu dài của nhà đầu tư thông qua việc đảm bảo tính minh bạch của môi trường tài chính vĩ mô và môi trường pháp lý; xây dựng công cụ quản lý môi trường tài chính vĩ mô bằng hệ thống các chỉ số: Đo tâm lý, kỳ vọng của nhà đầu tư và người tiêu dùng đối với điều kiện kinh tế hiện tại và tương lai xây dựng dựa trên phương pháp điều tra thống kê; đo độ căng thẳng tài chính; đo bất ổn thị trường…

Tái cơ cấu đi liền với cơ chế giám sát đủ mạnh

Cùng về vấn đề tài chính - ngân hàng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đưa ra quan điểm: Để chuẩn bị cho ngành ngân hàng Việt Nam hội nhập quốc tế, cấp thiết thực hiện một số bước. Ở tầm vĩ mô, đó là, cần phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, theo đó số lượng ngân hàng thương mại của Việt Nam cần phải rút xuống khoảng 15 ngân hàng phù hợp với chủ trương của NHNN; việc tái cơ cấu các ngân hàng không chỉ tập trung vào số lượng mà về thực chất các ngân hàng phải được cải tổ về cách quản trị điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước quốc tế; nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế, vốn chủ sở hữu của một vài ngân hàng đầu tầu phải được nâng lên tối thiểu 5 tỷ USD để có thể ít nhất mở rộng hoạt động và cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á; vấn đề xử lý nợ xấu phải được giải quyết mau chóng và đi vào thực chất để giải tỏa nguồn lực tài chính và năng lực cho phát triển kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngân hàng.

Một trong những vấn đề các chuyên gia lưu ý là tăng cường năng lực pháp lý và vốn cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) như một bước đi cần thiết để thúc đẩy tiến trình giải quyết nợ xấu; một hành lang pháp lý mới phải được xây dựng bao gồm việc hoàn thiện luật phá sản và một đạo luật dành riêng cho việc xử lý nợ, thanh lý tài sản bảo đảm là tối quan trọng để giải quyết vấn đề nợ xấu ở tầm mức quốc gia vì hiện nay các bộ luật hiện hành còn chồng chéo và thiếu sót và nghiêng về phía bảo vệ người đi vay hơn là người cho vay.

TS Nguyễn Minh Hà đến từ Ngân hàng Thế giới cảnh báo: Cần đặt ra khả năng của một cuộc suy thoái toàn cầu trong tương lai gần. Nó có thể sẽ mang hình thức của một cuộc giảm phát mạnh, với sự sụp đổ giá cả nguyên liệu và tài sản trên toàn thế giới. Hệ thống tài chính thế giới khi ấy sẽ có nhiều rủi ro. Đặc biệt là nền kinh tế các nước đang phát triển đang phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng. Sự suy giảm giá nguyên liệu ảnh hưởng đến xuất khẩu; và điều tồi tệ nhất sẽ đến khi thị trường chứng khoán sụp đổ, dòng vốn ào ạt rút ra khỏi các nước đang phát triển. “Việt Nam cần có sự chuẩn bị cho tình huống trên; cụ thể là: các vấn đề như nợ xấu của các ngân hàng cần phải được giải quyết; củng cố dự trữ ngoại hối; cải cách cơ cấu là rất cần thiết để làm cho nền kinh tế cạnh tranh hơn”- TS Hà nêu quan điểm.
Dưới góc độ vi mô, nhiều chuyên gia đánh giá, ngân hàng ở Việt Nam phải xây dựng một chiến lược cạnh tranh liên quan đến hội nhập quốc tế. Đối với các ngân hàng chỉ hoạt động trong thị trường nội địa, một chiến lược mới phải đề cập đến những đối thủ cạnh tranh đến từ các nước thành viên của các hiệp định thương mại tự do sắp tới…

Quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng sẽ còn nhiều thách thức, chúng ta cần làm gì? Câu hỏi ấy được GS Trần Thọ Đạt- ĐH Kinh tế quốc dân trả lời bằng việc khẳng định: Về căn bản vẫn phải tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống tài chính nhằm đạt được ổn định và tăng trưởng bền vững nền kinh tế thực và một hệ thống tài chính lành mạnh. PGS.TS Tô Trung Thành (cùng ĐH Kinh tế quốc dân) cũng cho rằng, rất cần phải xây dựng một mô hình giám sát tài chính có hiệu lực và theo thông lệ quốc tế. Giám sát bằng cách hoàn thiện và tăng cường giám sát an toàn vĩ mô và giám sát dựa trên rủi ro, xây dựng và áp dụng các chỉ tiêu giám sát, các ngưỡng cảnh báo an toàn vĩ mô, cũng như phát triển các mô hình định lượng giám sát tài chính; từng bước chuyển sang mô hình giám sát hợp nhất để tăng cường giám sát toàn bộ hệ thống tài chính; trước mắt cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính bằng cách xây dựng quy trình và khung phối hợp giữa các cơ quan; áp dụng sớm và rộng rãi các chuẩn mực quốc tế trong kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính và hệ thống các chỉ tiêu an toàn tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năng lực cạnh tranh nhìn từ hệ thống tài chính