Năng lực xuất khẩu gỗ: Cái khó 'bó' tiềm năng

Nhật Minh 22/12/2015 09:05

Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ được dự báo sẽ có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại (FTA) được ký kết, đặc biệt là FTA giữa Việt Nam – EU. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, hiện nay năng lực cung ứng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu của ngành gỗ mới chỉ đạt… 10%, đây thực sự là bài toán khó với các DN ngành gỗ về nguồn nguyên liệu.  

Năng lực xuất khẩu gỗ: Cái khó 'bó' tiềm năng

Doanh nghiệp ngành gỗ đang tìm cách gỡ khó để phát triển. (Ảnh: TL).

Chỉ 170 ngàn ha rừng đạt chứng chỉ FSC

Ước tính, mỗi năm nhu cầu về nhập khẩu gỗ của thế giới vào khoảng 230 tỉ USD. Chỉ tính riêng thị trường 28 nước EU là 85 tỉ USD thế nhưng, năng lực xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này hiện nay mới chỉ đạt khoảng 600 triệu USD/ năm. Tương tự, nhu cầu của Hoa Kỳ vào khoảng 22 tỉ USD nhập khẩu gỗ mỗi năm song, chúng ta mới chị đạt kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ ở con số lẻ: 2 tỉ USD. Như vậy, rõ ràng, năng lực xuất khẩu của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của thế giới hiện nay.

Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến cuối năm 2014, diện tích rừng tự nhiên cả nước khoảng 13 triệu ha; trong đó 6,6 triệu ha là rừng sản xuất; 4,4 triệu ha rừng phòng hộ và gần 2 triệu ha rừng đặc dụng.

Trong tổng diện tích này có 80% là diện tích rừng nghèo. Trữ lượng gỗ rừng tự nhiên khoảng 220 triệu m3/ha nhưng đa số là những cây gỗ nhỏ, chất lượng kém, không đạt chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu.

Cũng theo Tổng cục lâm nghiệp, hiện gỗ rừng tự nhiên của cả nước mới chỉ cung cấp khoảng 10% nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, phần còn lại phải nhập khẩu và tận dụng gỗ cao su già.

Thực tế mỗi năm, các DN ngành gỗ vẫn đang phải nhập khẩu khoảng 4 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Con số nói trên minh chứng rất rõ cho sự phụ thuộc của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài đồng thời đặt ra cho nhà quản lý và cả DN thách thức về mục tiêu giảm sự phụ thuộc của ngành này vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Nhìn vào cục diện hiện nay, theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số 1,9 triệu ha rừng trồng của cả nước mới chỉ có khoảng 170 ngàn ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FCS (Hội đồng quản lý rừng), cho thu hoạch khoảng 16 ngàn m3 gỗ/ năm.

Chứng chỉ FSC là điều kiện bắt buộc mà các sản phẩm gỗ phải có khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Với con số quá khiêm tốn đó, nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý, các DN cần tập trung hơn nữa vào việc phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, bền vững để có thể tăng được nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ trong thời gian tới.

Năng lực xuất khẩu gỗ: Cái khó 'bó' tiềm năng - 1

Ngành gỗ vẫn loay hoay với bài toán nguồn nguyên liệu.

Giải bài toán nguồn nguyên liệu bền vững, cách nào?

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang hô hào “trồng mới 5 triệu ha rừng”, nhưng lại chưa có một giải pháp nào thực sự hữu hiệu để thực hiện công cuộc này một cách bền vững.

Đơn cử, hiện nhà nước giao khoán cho khoảng 1,4 triệu hộ dân trồng 2,2 triệu rừng nhưng việc giám sát, quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến thực trạng người dân phải bán rừng non. “Có hộ gia đình trồng cây, đường kính mới chỉ khoảng 7-8cm nhưng nhà có con ốm, hoặc phải đóng tiền học cho con là lập tức phải chặt cây để bán non” – một chuyên gia ngành gỗ chia sẻ.

Để giải quyết bài toán phát triển vùng nguyên liệu gỗ bền vững phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh đề xuất, nhà quản lý cần tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất trung gian ở ngay tại các địa phương có rừng để người dân tham gia trực tiếp vào các nhà máy này. Khi có sự tham gia của cộng đồng vào các nhà máy đó, không những việc trồng rừng được đẩy mạnh, phát triển bền vững mà các hộ dân trồng rừng chính là lực lượng góp sức vào công cuộc quản lý rừng trồng tốt hơn, góp phần ngăn chặn được tình trạng gỗ lậu diễn biến phức tạp suốt thời gian qua.

Vị Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cũng nêu lên quan điểm, hội nhập kinh tế quốc tế đang đưa đến cho các DN xuất khẩu gỗ nhiều cơ hội để phát triển, trong đó, phải kể đến yêu cầu về chứng minh nguồn gốc, xuất xứ mà thị trường châu Âu cũng như các đối tác nước ngoài đưa ra.

“Thời gian qua, thực trạng gỗ lậu hoành hành ở Việt Nam vừa tàn phá rừng, phá môi trường sinh thái, vừa làm phương hại đến uy tín của các DN ngành gỗ. Tới đây, việc các FTA chính thức được ký kết sẽ tạo cơ hội để các DN chế biến và xuất khẩu gỗ tập trung đầu tư vào trồng rừng, mở rộng quy mô phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Càng hội nhập sâu rộng, cơ hội để các DN ngành gỗ bứt phá càng lớn. Và ở đây, gỗ lậu sẽ không có đường sống” - ông Hạnh nhận định.

Để ngành trồng rừng phát triển bền vững, nhiều chuyên gia đề xuất, cần điều chỉnh lại phương thức tổ chức sản xuất hiện nay. Trong đó, chú trọng việc giao đất lâm nghiệp cho dân, nhất là đồng bào các dân tộc để người dân tham gia sản xuất, như vậy cũng khuyến khích sự tham gia giám sát của cộng đồng, góp phần vào công cuộc chống buôn lậu gỗ. Tất nhiên, việc giao đất cũng cần phải có sự giám sát để tránh tình trạng bán rừng non như đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.

Song song với đó, nhà nước nên có cơ chế để khuyến khích các DN đầu tư trồng, chế biến, tiêu thụ lâm sản liên kết với hộ trồng rừng xây dựng mô hình thâm canh gỗ lớn cung cấp cho chế biến và xuất khẩu.

Theo ông Lê Văn Bách, Vụ trưởng Vụ Sản xuất lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện Chính phủ đang triển khai quản lý rừng bền vững và từng bước cấp chứng chỉ rừng, tiến tới đến năm 2016 sẽ công bố Chứng chỉ rừng Quốc gia, đảm bảo sự hài hòa theo các tiêu chuẩn và quy định của quốc tế.

“Động thái này sẽ giúp các DN xuất khẩu gỗ vào thị trường EU và các thị trường quốc tế khác đảm bảo tính minh bạch, sản phẩm gỗ xuất khẩu có logo chứng thực sẽ chứng tỏ được uy tín, cũng như giảm thiểu tối đa mức độ rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu” – ông Bách khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năng lực xuất khẩu gỗ: Cái khó 'bó' tiềm năng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO