Nhu cầu về năng lượng tăng lên rất nhanh trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam, trong khi nguồn năng lượng truyền thống không còn dư địa phát triển. Giới chuyên gia cho rằng điện hạt nhân là giải pháp giúp ổn định hệ thống điện quốc gia.
Tạo nguồn năng lượng nền, sạch
Quy hoạch điện VIII được ban hành vào năm 2023, nhưng hiện Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025, phấn đấu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo. Tương đương, đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu phát triển quy mô gấp 2,5-3 lần công suất điện hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5-7 lần vào năm 2050. Do vậy, yêu cầu sửa đổi Quy hoạch điện VIII để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch là cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung và điện mặt trời áp mái.
Bên cạnh đó, phát triển hợp lý các nguồn năng lượng nền như điện khí hóa lỏng và từng bước khôi phục, phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, sạch và bền vững.
Cuối tháng 11/ 2024, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Lợi ích lớn nhất của điện hạt nhân đó là tạo nguồn năng lượng nền, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kép trong xu thế phát triển xanh, năng lượng tái tạo của khu vực và thế giới, đảm bảo lợi ích liên quan đến an ninh năng lượng; có nguồn năng lượng an toàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội không chỉ với tỉnh Ninh Thuận mà còn toàn quốc và trong tương lai hướng tới xuất khẩu, tạo động lực có nền công nghệ, khoa học cao, đặc biệt là khoa học công nghệ nguyên tử, kéo theo cả nền công nghiệp, nguồn nhân lực cao.
PGS. TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nhận định, điện hạt nhân là giải pháp giúp ổn định hệ thống điện quốc gia. Ông nhấn mạnh: Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong việc dự phòng cho năng lượng tái tạo và cần được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực.
Theo tính toán, đến năm 2050, điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm 63,8% tổng công suất nguồn điện, trong khi thủy điện và điện khí chỉ chiếm khoảng 15,7%. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng mạnh, nhu cầu về công suất nguồn điện nền cũng cần được nâng cao để đảm bảo hệ thống vận hành ổn định và liên tục.
PGS. TS Vương Hữu Tấn cho biết, thủy điện và khí hóa lỏng (LNG) có thể đáp ứng phần nào vai trò của nguồn điện nền, song vẫn có những giới hạn. Ước tính, hệ thống điện năm 2050 sẽ cần khoảng 20% công suất dự phòng từ nguồn điện nền. Tuy nhiên, với tỷ trọng thủy điện và điện khí ở thời điểm này, nguồn dự phòng chỉ vừa đủ, khó có thể đảm bảo ổn định cho toàn hệ thống. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành công nghệ cao vốn đòi hỏi nguồn cung điện ổn định, liên tục.
Ông Tấn cũng chỉ ra những rủi ro khi phụ thuộc hoàn toàn vào thủy điện và LNG. Thủy điện phụ thuộc vào thời tiết và còn phải đảm nhận nhiệm vụ điều tiết lũ, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Nếu sử dụng toàn bộ công suất thủy điện làm nguồn dự phòng, các mục tiêu khác như phòng chống thiên tai và phát triển nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, điện khí LNG không đảm bảo tính ổn định lâu dài vì phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, giá cả cao và nhiều biến động trên thị trường quốc tế.
"Trong nhiều trường hợp, giá thành điện hạt nhân có thể cạnh tranh với các nguồn điện khác" - ông Tấn nói và dẫn chứng, tại Nhật Bản, giá điện hạt nhân thuộc nhóm rẻ nhất do nước này phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho hầu hết các nguồn năng lượng khác.
Phát triển lưới điện truyền tải
Tại dự thảo lấy ý kiến về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công thương đề xuất 2 kịch bản về cơ cấu nguồn điện. Với kịch bản cơ sở, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I (2x1.200 MW) vận hành giai đoạn 2031-2035, Ninh Thuận II (2x1.200 MW) vận hành giai đoạn 2036-2040. Còn với kịch bản cao, cả hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, II (4x1.200 MW) cùng vận hành giai đoạn 2031-2035.
Dự kiến, 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sẽ có tổng công suất 4 tổ máy 4.800 MW. Số này cao hơn 800 MW so với kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009. Sau 2030, nhà điều hành cũng dự kiến phát triển lưới điện truyền tải để đấu nối, giải toả công suất từ các nhà máy điện hạt nhân.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đề xuất 10 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trong đó đề xuất cho phép triển khai đồng thời các công việc về đàm phán các hiệp định, thỏa thuận với đối tác song song với quá trình lập các hồ sơ và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.
Về lựa chọn chủ đầu tư và nhà đầu tư thực hiện, đề xuất để Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện các dự án; áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và chỉ định thầu đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong thỏa thuận hoặc hiệp định liên chính phủ.
Đồng thời, áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng để lập, thẩm tra, thẩm định, trợ giúp chủ đầu tư quản lý, thực hiện dự án; mua nhiên liệu, thuê đối tác vận hành, bảo dưỡng trong thời gian đầu. Được thực hiện song song, đồng thời một số công việc chuẩn bị dự án (khảo sát lập nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, rà phá bom mìn, thực hiện dự án thành phần…) trong quá trình đàm phán hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng chìa khóa trao tay trước khi phê duyệt dự án đầu tư.