Nâng mức hỗ trợ khuyến khích đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc tham gia BHXH, BHYT

Lan Hương 28/10/2017 10:05

Đây là khuyến nghị của các đại biểu tại Hội thảo “Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình” do BHXH Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức mới đây.


Tỷ lệ tham gia BHYT của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc cao nhưng không bền vững.

96% người tham gia BHYT

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 30/9/2017, số đối tượng tham gia BHYT của 6 tỉnh vùng Tây Bắc là hơn 4,4 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 96% so với dân số vùng, tăng gần 200.000 người (tương ứng tăng 4,56% so với năm 2016); chiếm tỷ trọng gần 5,6% so với tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc. Trong đó phần lớn các tỉnh Tây Bắc đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT so với Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 9 tháng năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 10.200 người, tăng 12% so với năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế nổi lên như người tham gia BHXH tự nguyện chưa hiểu đầy đủ về chính sách, thiếu thông tin về chính sách pháp luật, tập trung ở các đối tượng người lao động tự do ở khu vực phi chính thức, có thu nhập thấp, việc làm không ổn định. Bên cạnh đó, người lao động chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Đặc biệt trong bối cảnh, Tây Bắc đến nay vẫn còn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao (kết quả điều tra năm 2017 của Bộ LĐTB&XH cho thấy, số hộ nghèo thuộc khu vực miền núi Tây Bắc có tỷ lệ cao nhất, khoảng trên 31%).

Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của vùng Tây Bắc cao, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT có tăng (do đối tượng hộ nghèo và cận nghèo đều được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT) nhưng không bền vững. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại khu vực này không bền vững do sau khi thoát nghèo, những người dân này không thuộc diện đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT, họ lại không tiếp tục tham gia, do phải tự bỏ tiền túi để mua BHYT.

Tăng cường tuyên truyền

Trước thực tế đặt ra, các chuyên gia cho rằng để thu hút được nhiều hơn đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình thì cần có các giải pháp tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể... tuyên truyền với các hình thức, nội dung đa dạng, giúp người dân hiểu, nắm rõ bản chất, vai trò, ý nghĩa và tính ưu việt của chính sách BHYT cũng như các quy định cơ bản của pháp luật. Vai trò của mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn cũng rất quan trọng nên cần rà soát, tổ chức tập huấn, củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống đại lý thu hiện tại, kết hợp tăng cường công tác mở rộng, quản lý chặt chẽ đại lý thu BHXH, BHYT...

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan- phó trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam), giải pháp cần hiện nay để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình thì đầu tiên cần phải nâng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia tự nguyện, mở rộng đối tượng thuộc hộ nghèo, linh hoạt hơn về mức hỗ trợ và mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, ngoài việc tập trung phát triển hệ thống mạng lưới đại lý đến từng thôn, bản, tổ dân phố thì chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cần phải đôn đốc, hướng dẫn người lao động, đặc biệt là các lao động hợp đồng dưới 3 tháng, người làm việc theo hợp đồng khoán việc, thuê việc… Chỉ khi đó các chính sách BHXH, BHYT mới phát huy tối đa hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng cao, đảm bảo cuộc sống, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn nhấn mạnh: Để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội thì cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến đồng bào dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để bà con dân tộc thấy được quyền lợi như có được sự giúp đỡ, hỗ trợ khi chẳng may gặp phải những rủi ro về sức khỏe, hoặc có tiềm lực kinh tế để ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động là hết sức quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng mức hỗ trợ khuyến khích đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc tham gia BHXH, BHYT