Cơ quan Khí tượng Ấn Độ cảnh báo năm nay sẽ xảy ra các kỷ lục nhiệt độ cao tới mức báo động. Thủ đô New Delhi mới ghi nhận ngày nóng nhất 39 độ C, cao hơn 4 độ C so với mức nhiệt trung bình của thời gian này trong năm.
Kể từ giữa tháng 3 tới nay, hàng loạt thành phố ở miền Trung Ấn Độ chịu trận đựng cái nóng như thiêu, có lúc vượt quá 41 độ C. Trong số những khu vực nóng nhất có Guna và Sagar thuộc bang Madhya Pradesh, khi nhiệt độ lần lượt chạm mốc 41,6 và 42,5 độ C, cao hơn 5 độ C so với mức thông thường.
Theo trang India Today, tình trạng nóng lên toàn cầu đã góp phần đáng kể đẩy cao nhiệt độ ở nhiều vùng của Ấn Độ, buộc cơ quan Khí tượng Ấn Độ phải phát đi cảnh báo cho cư dân nhiều khu vực, khuyến cáo họ ở trong nhà vào những lúc nhiệt độ cao nhất trong ngày, đồng thời hướng dẫn các biện pháp tránh sốc nhiệt và các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao.
India Today dẫn lời ông Dileep Mavalankar - Giám đốc Viện Y tế công cộng Ấn Độ, cho rằng, chính quyền cần đưa ra những hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu giúp mọi người biết phải làm gì trong trường hợp nhiệt độ cao; đồng thời chuẩn bị hệ thống y tế để đối phó với các trường hợp khẩn cấp do sốc nhiệt và giúp giảm tỷ lệ tử vong trong các đợt nắng nóng cao điểm.
Trong khi đó, người dân nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng phải vật lộn với nắng nóng, cho dù mới chỉ chớm vào hè. Singapore đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất tính từ đầu năm 2024 là 36,3 độ C tại khu dân cư Choa Chu Kang. Kênh truyền hình We News đưa tin, Cơ quan Khí tượng quốc gia Singapore (MSS) đã cảnh báo thời tiết ở đảo quốc sư tử năm 2024 có thể sẽ cao hơn nhiệt độ mà các chuyên gia quan sát trong năm 2023.
Theo tờ Straits Times, nắng nóng ở Singapore xuất phát từ hiện tượng El Nino, vốn đã hoành hành từ nửa cuối năm 2023. Dù được cho là sẽ suy yếu từ giữa tháng 4 nhưng nhiệt độ được dự báo là sẽ không giảm.
"Do ảnh hưởng kéo dài từ El Nino sau khi hiện tượng này đạt đỉnh trùng với thời điểm những ngày nóng nhất trong năm, nhiệt độ trong tháng 4 và 5 có thể sẽ rất cao" - GS Matthias Roth (khoa Địa lý của Đại học Quốc gia Singapore) nói.
Quốc gia láng giềng với Singapore là Malaysia cũng đang phải vật lộn với thời tiết nắng nóng cao độ. Hãng thông tấn Bernama (Malaysia) cho biết, đã ghi nhận một trường hợp tử vong do say nắng ở bang Pahang và 27 ca khác mắc các bệnh liên quan đến thời tiết cực đoan. Để đối phó với tình trạng nắng nóng, một số khu vực gồm thủ đô Kuala Lumpur, Kedah, Perak, Pahang và Selangor đã ban hành cảnh báo nắng nóng cấp 1 và cấp 2. Cảnh báo nắng nóng cấp 1 được áp dụng khi nhiệt động trung bình dao động từ 35-37 độ C; còn cấp 2 khi nhiệt độ trung bình dao động từ 37-40 độ C trong vòng 3 ngày liên tiếp.
Cùng chung cảnh ngộ, cuối tuần qua, Thái Lan đã ghi nhận nhiệt độ lên tới 41 độ C ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung nước này, trong đó có thủ đô Bangkok. Đặc biệt, các tỉnh Chainat, Suphan Buri và Pathum Thani, nhiệt độ cao nhất đã chạm mốc 41 độ C.
Theo tờ Thai PBS World, người dân ở quận Sapphaya, thuộc tỉnh Chainat, đã đổ xô đến công viên nước "dã chiến" trước chùa Sakae để giải nhiệt. Các tu sĩ trong ngôi chùa này và người dân gần đó đã biến bãi lầy ở dọc sông Chao Phraya thành một công viên nước đặc biệt để tránh nóng. Trong khi đó, người dân đã dựng một cầu trượt tự chế cho trẻ em, cải tạo bãi cát ở mé sông thành một sân bóng chuyền và mở quầy bán nước giải khát. Công viên nước "dã chiến" này mở cửa từ 9 đến 19 giờ mỗi ngày.
“Nắng nóng từ Á sang Phi trong mùa hè này” - đó là nhận định của các chuyên gia khí hậu Liên hợp quốc. Kể từ cuối tháng 3, Đông Phi đã bước vào những đợt nắng nóng cực đoan, với mức nhiệt cao nhất lên tới 45 độ C ở gần biên giới Sudan và Nam Sudan. Chính phủ Nam Sudan phải kích hoạt các biện pháp an toàn khẩn cấp, trong đó có việc đóng cửa các trường học trong vòng 2 tuần.
Nắng nóng kéo dài ở châu Phi xảy ra ngay sau khi mức nhiệt độ cao bất thường được ghi nhận trên khắp châu lục trong tháng 2/2024. Các quốc gia Botswana, Namibia, Mozambique, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe, Sudan, Nam Sudan đều có nhiệt độ cao hơn mức trung bình trên dưới 5 độ C.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, nhiệt độ mùa hè này trên toàn lục địa châu Phi sẽ rơi vào khoảng 40 độ C (trung bình), kéo dài trong 4 tháng, từ tháng 3 cho tới hết tháng 6. Và đây sẽ là mùa hè nóng nhất dối với Lục địa đen trong vòng 20 năm qua.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Science Advances của nhóm các nhà khoa học tại Đại học Utah (Mỹ) cho rằng, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng di chuyển chậm hơn, qua đó kéo dài thời gian nhiệt độ cực đoan gây hại cho con người. Trong khi đó, thời gian của các đợt nắng nóng tăng từ bình quân 8 ngày lên 12 ngày. Năm 2024, châu Á và châu Phi sẽ là 2 lục địa nóng nhất, trong khi châu Âu có thể sẽ mát hơn so với mùa hè 2022 và 2023.