Sản phẩm phân bón DAP và MAP đã chính thức được áp thuế tự vệ với mức 1.128.531 đồng/tấn và theo Bộ Công thương, việc áp thuế này sẽ được kéo dài trong khoảng thời gian 2 năm. Dù được coi là một biện pháp bảo vệ ngành phân bón trong nước, song nhiều ý kiến cho rằng, bản chất là các doanh nghiệp (DN) trong ngành phải nâng sức cạnh tranh bằng chính nội lực chứ không thể dựa vào sự bảo hộ mãi được.
Các doanh nghiệp phân bón cần cải tổ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hàng nhập “đè” hàng nội
Trước đó, căn cứ hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của ngành sản xuất trong nước, quy định của WTO và Pháp lệnh Tự vệ, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT khởi xướng vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.
Hồi tháng 8 năm 2017, trên cơ sở Kết luận điều tra sơ bộ cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu ở mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn và có hiệu lực từ ngày 19-8-2017 đến ngày 6-3-2018.
Trong giai đoạn điều tra cuối cùng, Bộ Công thương đã quyết định gia hạn thời gian điều tra thêm 2 tháng (tức là đến ngày 12-1-2018). Kết luận điều tra cho thấy, hàng hóa nhập khẩu đã gây ra tác động ép giá và kìm giá đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong giai đoạn 2013-2016.
Mức chênh lệch giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (bằng mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán trong điều kiện không có thiệt hại) là 1.855.790 đồng/tấn. Hiện tượng ép giá, kìm giá vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2017 nên giá bán của phân bón sản xuất trong nước vẫn thấp hơn chi phí sản xuất là 1.128.531 đồng/tấn. Mức thuế này chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, sau 2 năm, Bộ sẽ xem xét, đánh giá lại tác động kinh tế - xã hội để quyết định việc có gia hạn biện pháp tự vệ hay không. Trên thực tế, ngành phân bón thời gian qua cũng chịu khá nhiều áp lực. Theo Cục Hóa chất (Bộ Công thương), nhiều năm qua, các DN sản xuất phân bón DAP trong nước đã phải đối diện với những gánh nặng như chi phí tài chính cao, phân bón nhập khẩu ồ ạt chiếm lĩnh thị trường trong nước dẫn đến các DN trong nước cạnh tranh khó. Do đó, việc áp dụng biện pháp thuế tự vệ tạm thời với DAP đã được Bộ Công thương nghiên cứu và triển khai theo kiến nghị của ngành sản xuất trong nước, đảm bảo phù hợp với pháp luật về phòng vệ thương mại cũng như các cam kết của WTO.
“Nếu biện pháp tự vệ không được áp dụng, các nhà máy sản xuất trong nước có thể phải đóng cửa do không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu ồ ạt” – Đại diện Cục Hóa chất nêu quan điểm. Về lâu dài, Cục Hóa chất cho rằng, nếu thị trường chỉ còn hàng nhập khẩu, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại trực tiếp khi giá bán có thể tăng cao do yếu tố về độc quyền cũng như thiếu sự đa dạng về hàng hóa để lựa chọn. Việc áp thuế tự vệ tạm thời được cho là biện pháp cấp bách giúp ngành phân bón trong nước ổn định sản xuất.
Chủ động vươn lên
Mặc dù đồng tình với việc đưa ra công cụ thuế tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, song ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, việc áp thuế tự vệ đối với phân bón sẽ chỉ là giải pháp mang trong ngắn hạn, tạm thời. Mức thuế tự vệ này chỉ mang tính hỗ trợ chứ không thể cứu được các DN nếu họ vẫn rơi vào tình trạng yếu kém, thua lỗ như những năm qua. Bởi vậy, ông Thúy cho rằng, ngoài việc bản thân các DN cần phải nỗ lực cải tổ sản xuất, tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, một yếu tố quan trọng đó là nhà nước phải giảm thuế giá trị gia tăng, vì đây là gánh nặng lớn khiến DN phải tăng chi phí.
“Giá nguyên liệu đầu vào trong nước không giảm do giá phân bón tăng. Trong khi giá phân bón phải gánh thêm thuế VAT mà khi mua nguyên liệu đầu vào cũng không được khấu trừ. Ngược lại giá phân bón thế giới lại rẻ hơn nên thu hút người nông dân hơn. Đây chính là một thiệt thòi cho các DN ngành phân bón” – ông Thúy nhấn mạnh.
Việc áp thuế tự vệ đối với phân bón DAP và MAP đang có những tác động khá rõ nét lên thị trường phân bón. Nhiều DN ngành phân bón cho biết, việc áp thuế này đang đẩy giá thành đầu vào lên khoảng 10 -12%. Do vậy, DN đang phải gánh thêm mức chi phí gia tăng trung bình 100.000-200.000 đồng/tấn. Điều này đang khiến các DN nhỏ rất oải vì việc gia tăng chi phí làm giảm sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, trước khi Việt Nam có ngành sản xuất phân bón, từ 2008 về trước thì giá phân bón ở mức 18.000 – 20.000/kg. Nhưng từ năm 2009, DAP đã sản xuất trong nước thì giá liên tục giảm, và gần đây nhất là còn có 7.700 đồng/kg, chỉ còn chưa đến 50% so với trước đây. “Việc làm tăng giá phân bón do áp thuế tự vệ sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn” – Cục Phòng Vệ thương mại nhận định.