6 tháng đầu năm 2025 xuất khẩu cà phê không chỉ xác lập kỷ lục mới khi đem về 5,45 tỷ USD với 953.900 tấn, gần bằng kim ngạch cả năm 2024 là 5,48 tỷ USD mà còn bắt đầu xuất khẩu cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mặt bằng thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT), kim ngạch xuất khẩu cà phê nửa đầu năm 2025 tăng mạnh nhờ giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam tăng hơn 59% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, Đức, Italia và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng qua, chiếm thị phần lần lượt 16,3%, 7,9% và 7,4%. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê sang Đức tăng 2,2 lần, Italia tăng 45,1%, Tây Ban Nha tăng 55,8%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất ở thị trường Mexico với mức tăng 71,6 lần; Trung Quốc dù mức tăng thấp nhất nhưng cũng đạt 22,9%.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Arabica và cà phê chế biến tăng, cho thấy ngành cà phê Việt Nam đang có xu hướng đầu tư mạnh vào công nghệ và vùng nguyên liệu Arabica, chuyển sang xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản với sản phẩm chất lượng cao.
Theo ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phúc Sinh, kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong 6 tháng vừa qua nhờ giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam ở mức cao, đạt hơn 5.700 USD/tấn, tăng hơn 59% so với cùng kỳ năm trước.
Có được kết quả này, theo ông Thông một phần do biến động về nguồn cung cà phê của thị trường thế giới, phần khác nhờ chất lượng cà phê Việt Nam được cải thiện rất nhiều trong 10 năm trở lại đây. Các nhà rang xay nổi tiếng ở châu Âu, Mỹ, Italia đều biết đến và dùng cà phê Robusta của Việt Nam.
“Nội lực của ngành cà phê đang ngày càng được củng cố khi người dân và doanh nghiệp (DN) có cách ứng xử chuyên nghiệp hơn với thị trường. Đáng chú ý, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mặt bằng thế giới” - ông Thông cho biết.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) ngoài lý do cung - cầu trên thị trường thế giới, ngành cà phê khởi sắc còn bởi các DN trong nước đã đầu tư nhiều hơn vào công nghệ chế biến và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Song song đó, việc tận dụng tốt các Hiệp định thương mại (FTA) như: EVFTA, UKVFTA, CPTPP đã giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.
Với đà tăng trưởng ấn tượng này, giới chuyên môn nhận định, xuất khẩu cà phê cả năm hoàn toàn có thể cán mốc 7 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Đây không chỉ là một cột mốc kỷ lục về kim ngạch, mà còn khẳng định vị thế ngày càng nâng cao của cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới. Tuy nhiên nếu Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu 20% lên mặt hàng cà phê của Việt Nam có khả năng làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước cung cấp lớn khác như Brazil, Colombia. Chính vì vậy, để duy trì và nâng cao giá trị xuất khẩu, ngành cà phê cần đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển thương hiệu, đa dạng hóa thị trường và đặc biệt là chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chứng chỉ bền vững - những yêu cầu ngày càng phổ biến từ các thị trường cao cấp.
Đối với thị trường châu Âu (EU) để khai thác hiệu quả thị trường này, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến nghị các DN cần tập trung vào dòng sản phẩm khác biệt như cà phê chất lượng cao, cà phê chế biến, cà phê có chứng nhận và cà phê đặc sản.
Bên cạnh đó, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch với việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường; trong khi người tiêu dùng không chỉ quan tâm về giá cả, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa do đó DN cần nhanh nhạy bắt kịp xu hướng này.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng khẳng định, mục tiêu chiến lược của ngành không chỉ là sản lượng mà phải là gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Vì vậy, ngành cà phê định hướng đẩy mạnh tái canh, phát triển các vùng trồng chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận. Tập trung vào công nghiệp chế biến, tăng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ 10% hiện nay lên 25-30% trong những năm tới. Đồng thời, thích ứng với các quy định mới của thị trường, điển hình là Quy định không gây mất rừng của EU (EUDR).
“Vicofa đang tích cực làm việc với các bộ, ngành và đối tác quốc tế để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đảm bảo 100% cà phê xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của EU. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc ngành hàng theo hướng minh bạch và có trách nhiệm hơn" - ông Hải nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, để hiện thực hóa khát vọng xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam có tầm vóc toàn cầu, cần một chiến lược phát triển tổng thể, dài hạn. Chính phủ cần đóng vai trò kiến tạo, trong đó ưu tiên đăng ký và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý trọng yếu như “Cà phê Buôn Ma Thuột” trên thị trường quốc tế. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm giá trị và nhận diện thương hiệu quốc gia.
Các chương trình xúc tiến thương mại cũng cần được thiết kế lại theo hướng kể câu chuyện thương hiệu, về vùng nguyên liệu, về văn hóa cà phê phin độc đáo, về hành trình gìn giữ thổ nhưỡng và phát triển bền vững của người nông dân… thay vì quảng bá chung chung.