Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo “Tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới”.
15 năm từ khi Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị ra đời, việc nhận thức của đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Nội trong xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên so với yêu cầu phát triển của đời sống xã hội và xu thế hội nhập hiện nay, nền văn học, nghệ thuật Thủ đô vẫn còn bộc lộ hạn chế.
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Theo báo cáo tổng kết của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội, sau 15 năm triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, văn nghệ Thủ đô tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động thành phố, cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới. Văn nghệ Thủ đô tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú, xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao. Nhiều tác giả luôn tìm tòi sáng tạo hướng tới chân - thiện - mỹ và có những thành tựu rất đáng ghi nhận về nghệ thuật cũng như tinh thần hội nhập với thế giới, phát huy các giá trị di sản của dân tộc.
Tuy nhiên, với vị thế là trung tâm văn hóa của cả nước thì văn hóa nghệ thuật Hà Nội vẫn bộc lộ một số hạn chế.
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nhìn nhận, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực VHNT hiện nay còn hạn chế. Chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người làm công tác VHNT, nhất là các nghệ nhân, văn nghệ sĩ tham gia sáng tác, lao động làm ra các sản phẩm văn hóa cho xã hội, công tác hỗ trợ đào tạo tài năng văn học, nghệ thuật còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong số các tác phẩm được công bố, xuất bản, chưa có nhiều tác phẩm VHNT chất lượng phản ánh một cách sâu sắc, sinh động, hấp dẫn và gây dấu ấn mạnh mẽ về hiện thực cuộc sống trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Dẫn chứng từ lĩnh vực điện ảnh, NSƯT Thanh Loan (Hội Điện ảnh Hà Nội) bày tỏ, nhiều việc chúng ta đã làm được và cũng còn nhiều việc chúng ta chưa làm được; sự đầu tư, sự hỗ trợ còn nhỏ giọt, xôi đỗ. Ngoài 3 hội: Nhạc sĩ, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh được thành phố duyệt cấp kinh phí cho dự án hàng năm, thì 6 hội còn lại phải cũng cố gắng khai thác các nguồn xã hội hóa để hoạt động. “Nhiều hội chuyên ngành Hà Nội phải khai thác nguồn xã hội hóa để thực hiện tác phẩm phục vụ công chúng. Nếu thiếu nguồn lực thì khó có tác phẩm tốt. Có tác phẩm đã được viết xong kịch bản, đạo diễn đã viết kế hoạch quay, phỏng vấn, khai thác tư liệu… được các cơ quan chuyên môn, giới nghề đánh giá tốt, nhưng không được đầu tư nên vẫn ở trên giấy” - NSƯT Thanh Loan nói.
Đại biểu của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội cũng cho rằng, gần đây các tác phẩm xuất hiện nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng với số lượng, còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Công tác lý luận, phê bình nghệ thuật vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật múa ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhiều đề tài lớn của nền nghệ thuật cách mạng chưa được giới nghệ sĩ quan tâm, tập trung trí tuệ sáng tác, ảnh hưởng đến khả năng tuyên truyền về công tác tư tưởng của Đảng. Nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.
Thay đổi cơ chế để hội nhập
Có thể nói, với xu thế hội nhập ngành VHNT cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang đứng trước không ít những thách thức. Thậm chí ngay chính những người trong cuộc cũng đang cảm thấy vô cùng quan ngại. Bởi có một thực tế hiện nay, môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng tinh vi hơn, phức tạp hơn. Còn ít những tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp. Xuất hiện một số xu hướng sáng tác văn học nghệ thuật mới. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một khó được kiểm soát, ngăn chặn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ...
Nhìn nhận về vấn đề này, nhà thơ Bằng Việt - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho rằng có một thực tế hiện nay việc giáo dục VHNT ngày càng bị coi nhẹ trong nhà trường, cũng như chế độ đãi ngộ văn nghệ sĩ và người làm văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, đáng chú ý, chế độ lương, nhuận bút… chưa tương xứng với công sức trí tuệ của người sáng tác. Những điều này cũng đòi hỏi cần có sự thay đổi cơ chế như việc cải cách giáo dục, cải cách chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ bản quyền...
“Xã hội ta tiếp tục đi lên, kinh tế phát triển tốt sau những năm đại dịch, đội ngũ sáng tạo có thêm nhiều lớp trẻ tài năng, nhiều tác phẩm hay đang ra đời và tự khẳng định mình. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan mà cần phải nhìn thẳng vào sự thật, nỗ lực nhiều hơn nữa, vươn lên tầm cao hơn nữa trong quá trình liên tục đổi mới, phát triển toàn diện, vững chắc” - nhà thơ Bằng Việt nói.