Nhờ Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), diện mạo ở khắp vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như được khoác trên mình tấm áo mới.
Toàn tỉnh hiện không còn thôn, xã nghèo, đời sống người dân ngày càng nâng cao tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
TX Đông Triều là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn nơi đây đang từng ngày khởi sắc. Đến nay, TX Đông Triều đã hoàn thành mục tiêu 11/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 5 xã gồm: Việt Dân, An Sinh, Bình Khê, Tân Việt, Yên Đức đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có được kết quả đó, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân đã thực sự có bước chuyển đổi lớn về tư duy nhận thức, thể hiện rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai chương trình xây dựng NTM tại địa phương, ông Đặng Đình Thắng, Trưởng phòng Kinh tế TX Đông Triều cho biết: Địa phương xác định việc triển khai chương trình NTM phải được xây dựng theo hướng “từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã”; lấy xã, thôn, khu dân cư, từng hộ gia đình làm trọng tâm trong chỉ đạo xây dựng NTM. Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền phải bám vào mục tiêu nhiệm vụ, trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện chương trình từng tháng, quý, gắn với kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, động viên kịp thời.
Là một trong những địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa nhất của tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu có tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số. Đây cũng là lý do mà nhiều năm qua, chính quyền địa phương luôn chăn chở tìm cách giải phù hợp cho bài toán giảm nghèo. Ngoài cái khó chung về mặt vị trí địa lý, Bình Liêu cũng giống như hàng loạt các địa phương thuộc diện vùng sâu, vùng xa khác của tỉnh Quảng Ninh là người dân ở đây còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; một số cán bộ không muốn xã, thôn thoát khỏi diện 135 để được hưởng trợ cấp.
Nhận định rõ thách thức, tỉnh Quảng Ninh xác định quyết tâm giải quyết triệt để, tận gốc rễ của bài toán này. Theo đó, phải xây dựng nguồn lực đủ mạnh để tạo “đòn bẩy” cho các xã, thôn vùng khó khăn chủ động thay đổi tư duy và cách làm đã nỗi thời.
Ngày 7/12/2016, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã quyết định thông qua Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Hàng loạt các giải pháp sau đó đã được triển khai và thu được hiệu quả rõ rệt.
Nếu như năm 2010, khi tỉnh Quảng Ninh bước vào xây dựng NTM, lĩnh vực nông nghiệp có đặc thù địa lý, nhiều xã miền núi, biên giới và hải đảo, toàn tỉnh có đến 52 xã khó khăn, 22 xã đặc biệt khó khăn. Trước những thách thức ấy, tỉnh xác định rõ ràng phải xây dựng NTM "từ dưới đi lên", người dân phải cùng vào cuộc với hệ thống chính trị. Do đó, mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, nhưng vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được đặt vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà.
Phong trào xây dựng NTM đã mang một sức sống mới, một gam màu mới tươi sáng cho bức tranh nông thôn Quảng Ninh. NTM đã trở thành nếp sống, nét văn hóa đặc sắc của vùng quê Quảng Ninh.
Một điểm nhấn được coi là hạt nhân chiến lược trong xây dựng NTM tại Quảng Ninh là chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm có lợi thế địa phương; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất”, tăng thu nhập cho người dân.
Nếu như đề án 196 là đặc cách dành riêng cho các xã đặc biệt khó khăn để có hạ tầng, có vốn hỗ trợ sản xuất, giúp người dân xóa nhanh đói nghèo, tăng thu nhập … thì OCOP là chương trình kinh tế của mọi nhà nông và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là lực đẩy cho nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp có liên kết và phát triển bền vững.
Có thể thấy, chỉ trong thời gian ngắn, OCOP chuyển từ một đề án lên chương trình kinh tế. Sản phẩm OCOP chuyển từ sản phẩm truyền thống có mặt ở chợ làng, chợ cóc lên sản phẩm hàng hóa có mặt ở các trung tâm thương mại lớn, sàn giao dịch thương mại điện tử và cả xuất khẩu. Đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chuyển từ cá thể, nông hộ sang mô hình HTX, Công ty.
Tính đến hết tháng 3/2021, tỉnh Quảng Ninh đã có 464 sản phẩm OCOP, trong đó 236 sản phẩm đã được gắn sao, chiếm 51%. Số đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP của Quảng Ninh là 180, trong đó 114 đơn vị có quy mô doanh nghiệp, chiếm 63%. Doanh thu của sản phẩm OCOP những năm gần đây đạt 300 - 400 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 25%, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 4.500 lao động trực tiếp. OCOP đã tạo ra sự chuyên nghiệp, sáng tạo trong tư duy và hành động, tạo nền tảng để người nông dân thành công.
Quảng Ninh cũng là địa phương tiên phong của cả nước trong việc thực hiện chương trình này. 10 huyện, thị xã, thành phố có xã vùng đồng bằng và xã thuộc khu vực I có tổng số 127/148 doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP, chiếm 85,8% toàn tỉnh. Có 311/402 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, chiếm 77,4% toàn tỉnh. Trong đó, có 117/138 sản phẩm đạt sao.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 92/98 xã hoàn thành xây dựng NTM. Trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đạt chuẩn NTM với 6 xã còn lại và ít nhất có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.