Phát huy hiệu quả không gian nghệ thuật công cộng là nhu cầu thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Thủ đô, hình thành nên những điểm đến giàu bản sắc, thu hút đông đảo công chúng và du khách.
Nhiều dự án nghệ thuật công cộng ấn tượng
Hà Nội chính thức ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) năm 2019. Được công nhận là thành phố sáng tạo, Hà Nội có nhiều cơ hội hợp tác với các thành phố thuộc mạng lưới. Đồng thời, với những chính sách hướng đến phát triển kinh tế sáng tạo, phát huy nguồn lực sáng tạo văn hóa, Hà Nội hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa trong du lịch; mở ra những cơ hội phát triển mới trong phát huy nguồn lực văn hóa, công nghiệp văn hóa.
Trong những năm gần đây, các dự án nghệ thuật công cộng đã được xuất hiện ngày một nhiều hơn. Có thể thấy rõ ràng nhu cầu thưởng thức của những dự án nghệ thuật công cộng trong những không gian công cộng là một xu thế của đời sống xã hội. Đây là một loại hình nghệ thuật gắn với đô thị, với những không gian công cộng ngoài trời. Nó là sản phẩm đặc trưng của những đô thị có mối quan tâm và sự đầu tư vào những giá trị văn hoá chung, khơi gợi nên những cảm thức tự hào về nơi chốn cho cộng đồng.
Có thể kể đến Dự án Bích họa trên phố Phùng Hưng thuộc quận Hoàn Kiếm. Dự án đã góp phần biến con phố này trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua với nhiều công chúng và du khách khi đặt chân đến Hà Nội. Chính thức được khởi động từ cuối năm 2017, dự án nhằm tạo diện mạo mới, đậm chất văn hóa cho khu vực phố cổ; đồng thời hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân. Từ khi ra đời, khu vực này trở thành điểm hội tụ của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Hay như khu vực nằm giữa khu phố 1 và 2 của phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), từ một tuyến phố ngập ngụa rác thải sinh hoạt, nay lại trở thành một không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân - một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn để tận hưởng nghệ thuật. Được biết, không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân được hình thành hoàn toàn từ vật liệu tái chế, tôn vinh thông điệp bảo vệ môi trường; tạo sự tương tác, gắn kết giữa nghệ sĩ và công chúng khi cùng hợp tác gây dựng công trình.
Hướng đi mới để phát triển du lịch, kinh tế
ThS Trần Thị Thuý Lan, Phó Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, đối với quận Hoàn Kiếm có 4 không gian công cộng đã được người dân đồng tình ủng hộ, thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan như tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; khu phố cổ Hà Nội; phố tranh bích họa Phùng Hưng và không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân.
Nói về khả năng cộng hưởng của người nghệ sĩ và tác phẩm của họ với cộng đồng trong những năm qua, bà Lan cho rằng: “Đây là 4 khu vực có sức ảnh hưởng đến hoạt của cộng đồng dân cư. Nhận được sự đồng thuận của mọi người và thu hút được khách du lịch mang lại kinh tế cho người dân. Trước đây các khu vực này được nhiều người quan tâm. Nhiều hoạt động có sự giao lưu văn hóa giữa truyền thống và văn hóa đương đại. Những không gian nghệ thuật đã thu hút nhiều nghễ sĩ có tên tuổi tham gia những hoạt động về những dự án cộng đồng. Nhiều hoạt động của những loại hình nghệ thuật phù hợp với những không gian công cộng. Trên tinh thần bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể, những văn hóa truyền thống. Đồng thời mang tính giáo dục để cho các em học sinh, du khách và người dân nhận thức được công tác bảo tồn”.
Các không gian nghệ thuật, các dự án nghệ thuật công cộng và các không gian sáng tạo của thành phố sẽ trở thành một chuỗi liên kết giá trị thu hút hấp dẫn khách du lịch cũng như của những cá nhân, tổ chức sáng tạo, tạo nên hiệu quả không chỉ ở văn hóa, giáo dục mà còn là một hướng đi mới trong gia tăng phát triển kinh tế.
Theo họa sĩ Nguyễn Hồng, những bức tranh bích họa ở nhiều tuyến phố đã giúp cho không gian công cộng nơi đó sáng, đẹp lên rất nhiều. Nó giúp cho con người cảm thấy bớt bận bịu, có một không gian đem lại cảm giác nghỉ ngơi không bị áp lực. Những không gian như phố Phùng Hưng, Phúc Tân, Tràng Tiền… đã thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh cùng với những bức tranh. Qua đó thấy được sự hữu ích với đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Những dự án, công trình nghệ thuật công cộng giúp cho bộ mặt Thủ đô bớt khô khan, mềm mại và thẩm mĩ hơn.
Có thể thấy, người dân mọi lứa tuổi ở những khu vực có những dự án nghệ thuật công cộng diễn ra đều có những tương tác tích cực. Giúp cho cuộc sống của họ có thêm màu sắc. Thói quen vệ sinh môi trường, trồng cây, trồng hoa cũng dần được hình thành, tạo nên sự thay đổi lớn về cảnh quan và chất lượng sống.