Văn hóa

Nâng tầm nghệ thuật chơi sách

Hà Thư 12/02/2025 07:52

Không chỉ là phương tiện lưu giữ tri thức, sách ngày nay còn có thể trở thành… tác phẩm nghệ thuật. Người Việt đang tạo ra những ấn bản sách đẹp ngang tầm thế giới...

tr89 (4)
Những ấn bản sách đặc biệt, được chế tác công phu thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tập sách đương đại. Ảnh: Thư Hoàng.

Sách để ngắm, để yêu

Từ lâu, sách không chỉ đơn thuần là phương tiện truyền tải tri thức mà còn là một thú chơi đầy đam mê, đòi hỏi sự tinh tế và kỳ công. Nếu như trước đây, thú chơi sách chủ yếu xoay quanh việc sưu tầm các ấn bản cũ, hiếm, có thủ bút của các tác giả nổi tiếng, thì ngày nay, một số đơn vị xuất bản ở Việt Nam đã tiến xa hơn: Họ không chỉ chơi sách, mà còn tạo ra những cuốn sách đẹp như tác phẩm nghệ thuật, sánh ngang với các nước có truyền thống làm sách thủ công hàng trăm năm như Pháp, Anh hay Nhật Bản.

Đi tiên phong trong dòng sách này không thể không nhắc tới những đóng góp của Đông A - đơn vị đã đặt nền móng cho dòng sách đặc biệt. Dưới sự dẫn dắt của họa sĩ Trần Đại Thắng, Đông A đã biến mỗi cuốn sách thành một kiệt tác, góp phần nâng tầm thú chơi sách tại Việt Nam.

Họa sĩ Trần Đại Thắng từng chia sẻ: “Một cuốn sách không chỉ cần hay mà còn nên đẹp, bởi nó giúp ta có thêm tình yêu, sự trân quý đối với sách vở, việc đọc và cả những xúc cảm thẩm mỹ”. Chính từ quan niệm này, Đông A đã dành hơn 20 năm để nâng cấp chất lượng sách Việt, từ nội dung đến hình thức.

Dòng sách đặc biệt của Đông A khởi nguồn từ năm 2005 với cuốn “Văn mới 5 năm đầu thế kỷ”. Bên cạnh ấn bản phổ thông, nhiều người bất ngờ khi thấy có thêm “Văn mới 5 năm đầu thế kỷ” ấn bản giới hạn chỉ có 100 bản (gọi là S100). Đáng chú ý, thay vì chỉ đơn thuần đánh số thứ tự, họa sĩ Trần Đại Thắng đã tự mình đi gặp gỡ từng tác giả để xin chữ ký, thể hiện sự trân trọng đối với sách và người sáng tạo. Không chỉ gặp gỡ các tác giả tại Hà Nội, họa sĩ Trần Đại Thắng còn đi xe đò xuống Cà Mau tìm gặp và xin chữ ký của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - một trong những tác giả có truyện in trong ấn bản này. Nhà báo Yên Ba - một nhà sưu tập sách có tiếng ở Hà Nội, từng nhận xét: “Ở thời điểm đó, Đông A gần như là đơn vị đầu tiên đặt nền móng cho dòng sách sưu tầm tại Việt Nam. Họ làm sách không chỉ để đọc, mà để chiêm ngưỡng và cảm nhận”.

Theo thời gian, kỹ thuật làm sách của Đông A ngày càng nâng tầm. Từ những cuốn sách có bìa cứng, mạ nhũ vàng, họ bắt đầu áp dụng các phương pháp đóng sách thủ công tinh xảo như khâu rết cổ điển châu Âu, in Letter Press, bọc bìa bằng da thật, ghép da inlay và sử dụng chất liệu sơn mài - một nét rất riêng của văn hóa Việt. Không dừng lại ở đó, Đông A còn tiên phong trong việc đưa sách Việt ra thế giới, khi lần đầu tiên tham gia Hội chợ Nghệ thuật Sách Quốc tế CODEX tại Mỹ vào năm 2024. Cuốn “The Great Gatsby” phiên bản giới hạn của Đông A đã bán hết ngay tại sự kiện, chứng minh rằng sách Việt hoàn toàn có thể chinh phục độc giả quốc tế.

anhtren2.jpg
Ấn bản “Truyện Kiều” với bìa sách làm từ chất liệu sơn mài, bề mặt được dán vàng lá. Ảnh: H.An.

Kiến tạo một thế hệ nhà sưu tập mới

Sự phát triển của dòng sách giới hạn không chỉ đến từ những người làm sách, mà còn nhờ vào một thế hệ độc giả mới, ngày càng khó tính và yêu cầu cao về chất lượng. Nếu như trước đây, chỉ những nhà sưu tập lâu năm mới quan tâm đến các bản in giới hạn, thì ngày nay, cả những người trẻ cũng sẵn sàng đầu tư cho một cuốn sách đẹp. Các sự kiện trưng bày sách đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM luôn thu hút đông đảo công chúng, minh chứng cho sức hấp dẫn của dòng sách cao cấp.

Họa sĩ Trần Đại Thắng nhìn nhận: “Sách nghệ thuật không phải là một cuộc chơi xa xỉ, mà là một sự nâng niu tri thức. Nếu những chiếc túi hàng hiệu, những bộ quần áo thiết kế hay một chiếc đồng hồ đắt tiền có thể trở thành niềm đam mê, thì tại sao sách lại không thể?”. Với triết lý ấy, Đông A không ngừng sáng tạo để mang đến những phiên bản sách vừa có giá trị nội dung, vừa thỏa mãn tiêu chuẩn thẩm mỹ khắt khe nhất.

Mới đây, Đông A tiếp tục gây ấn tượng với 2 ấn bản S100 mới: “Truyện Kiều” và “Lịch sử Việt Nam bằng hình”. Cuốn “Truyện Kiều” được in bằng phương pháp Letter Press trên giấy dó truyền thống Bắc Ninh, khâu gáy theo lối Coptic với mũi khâu đôi 2 màu chỉ, bìa sơn mài do Hanoia thực hiện - một sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật phương Tây và tinh thần thủ công Việt Nam (Ấn bản này vừa rồi đã được đấu giá, và một nhà sưu tập đã sở hữu sau khi trả giá 380 triệu đồng). Trong khi đó, “Lịch sử Việt Nam bằng hình” lại áp dụng phong cách đóng bìa Đan Mạch, sử dụng da dê Pháp và vải ép kim nhũ vàng, tạo nên một kiệt tác xứng tầm sưu tầm.

Sự trỗi dậy của thú chơi sách ấn bản đặc biệt cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành xuất bản Việt Nam. Không chỉ Đông A, mà nhiều đơn vị khác cũng bắt đầu thử sức với dòng sách giới hạn, góp phần làm phong phú thêm thị trường. Tuy nhiên, theo nhà sưu tập Yên Ba, không phải ai cũng đủ kiên trì để theo đuổi con đường này: “Làm sách đẹp là một hành trình gian nan, đòi hỏi sự đầu tư lớn về công sức, thời gian và cả tài chính. Nhưng nếu làm tốt, sách không chỉ là vật dụng để đọc, mà còn là tác phẩm nghệ thuật lưu giữ qua nhiều thế hệ”.

Khi đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, con người có xu hướng tìm kiếm những giá trị tinh thần sâu sắc hơn. Sách - với hình hài đẹp đẽ, nội dung trau chuốt, kỹ thuật tinh xảo - đang trở thành một phần quan trọng trong lối sống tinh tế của người Việt. Từ những cuốn sách bình thường đến các ấn bản sưu tầm kỳ công, thú chơi sách không chỉ dừng lại ở việc đọc mà đã trở thành một nghệ thuật, một niềm tự hào về tri thức và cái đẹp.

Nhìn về tương lai, sự phát triển của dòng sách đặc biệt không chỉ giúp người Việt có thêm những tác phẩm giá trị để thưởng thức mà còn đưa nền xuất bản trong nước lên một tầm cao mới. Từ đây, có thể tin rằng, một ngày không xa, sách nghệ thuật Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trên bản đồ xuất bản thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tầm nghệ thuật chơi sách