Vốn khá “lép vế” so với các loại hình như điện ảnh, truyền hình… nhưng hoạt hình Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua. Nhiều bộ phim không chỉ chinh phục khán giả trong nước trên các “kênh” mạng xã hội mà còn đang tiệm cận ra rạp, thậm chí hướng ra các thị trường quốc tế.
“Sức bật” từ người trẻ
Sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, thông tin dự án phim hoạt hình “U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ” được trình chiếu trong Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Stuttgart (ITFS) lần thứ 29 và Liên hoan phim Seattle (SIFF) lần thứ 48 mới đây đã khiến những người trong giới “nở mày, nở mặt”. Bộ phim có thời lượng 20 phút, do Leo Đinh đạo diễn và xưởng phim Sun Wolf sản xuất lấy nội dung xoay quanh chú nghê Leng Keng, vì còn trẻ con và ham chơi nên luôn tự làm theo ý mình mà không nghĩ đến hậu quả. Bởi tính cách ấy mà trong một lần đuổi bắt kẻ trộm, Leng Keng đã phá banh hàng bún của ông đầu bếp Nghệ Trư An - vang danh khắp thiên hạ với món bún cá có rắc “bột thần kì” nổi tiếng...
“U Linh Tích Ký” ngay sau khi phát sóng trên nền tảng mạng xã hội Youtube đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả với bối cảnh là vùng đất đông dân cư nhộn nhịp với 12 quận vây quanh một con sông, có cây nhân quả được lấy cảm hứng từ cây đa tỏa mát của làng quê, có gian bếp quen thuộc với những gia vị và món ăn thuần Việt...
Bên cạnh đó, việc khai thác đời sống tâm linh của người Việt từ xưa đến nay đã khắc họa rõ nét hơn con nghê - một linh vật độc đáo trong văn hóa cổ truyền của người Việt. Ngoài ra, bộ phim mang đến những hình ảnh trực quan sinh động của bún cá - một món ăn có mặt dọc chiều dài đất nước với nhiều nét biến tấu thú vị.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cố vấn của dự án, với góc độ một khán giả tôi thấy đây là bộ phim hoàn hảo. Theo tôi, nếu có một cốt truyện tốt cộng với chuyên môn tốt, chắc chắn sẽ có một kết quả xứng đáng. Đây cũng chính là kỳ vọng của chúng tôi ở các bạn trẻ.
Còn theo đạo diễn Leo Đinh, tham dự các liên hoan phim quốc tế, phim được quan tâm vì là tác phẩm đến từ Việt Nam, kể câu chuyện Việt Nam; một số nhà làm phim hoạt hình quốc tế rất khen ngợi bộ phim. Cũng theo đạo diễn, mới đây Sun Wolf đã giới thiệu 2 dự án hoạt hình là “Hành trình nhân quả” và “Tản Viên Phong Châu”. Nội dung và hình ảnh của hai bộ phim đều hướng đến khai thác văn hóa dân gian Việt Nam.
Với “Hành trình nhân quả” các hình tượng, tích truyện được dùng làm nền tảng để sáng tạo câu chuyện mới. Còn với “Tản Viên Phong Châu” kịch bản dựa theo truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh nhưng nối dài câu chuyện, diễn tả tỉ mỉ vương quốc dưới nước của Thủy Tinh. “Bằng các sản phẩm của mình, tôi muốn góp một phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế qua một góc nhìn hiện đại nhưng vẫn mang “hơi thở” truyền thống” - đạo diễn Leo Đinh nói.
Thương hiệu hoạt hình Việt
Có thể nói sau bộ phim “Người con của Rồng” dài 40 phút ra rạp nhân dịp mừng đại lễ Nghìn năm Thăng Long, phim hoạt hình Việt Nam đã trải qua một quãng thời gian dài loay hoay tìm hướng phát triển và luôn “lép vế” với các sản phẩm phim nhập khẩu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây bên cạnh “anh cả” là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, dòng phim này đang ghi nhận sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới với những sản phẩm ấn tượng.
Ngoài Sun Wolf có thể kể đến dự án “Trưng Vương” của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ tạo một “cú hích” cho phim hoạt hình Việt Nam ra rạp. Theo nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, đây là dự án đã được ấp ủ gần 3 năm trời. Bản thân nhà sản xuất quyết định không làm phim nào khác mà tập trung vào dự án “Trưng Vương” với nguyện vọng bộ phim sẽ được chiếu ở thị trường quốc tế.
“Trưng Vương” có thông điệp vô cùng ý nghĩa và rất đặc sắc về hai nữ vương trong lịch sử Việt Nam (Trưng Trắc và Trưng Nhị). “Dự án phim hoạt hình “Trưng Vương” chiếu rạp chắc chắn chúng tôi sẽ làm. Biết đâu trong tương lai, chúng tôi có thể hợp tác với ê-kip mới của những tên tuổi hàng đầu thế giới, như hãng Walt Disney hay Dream Work để sản xuất phim chiếu rạp?” - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh chia sẻ.
Bên cạnh đó, phim hoạt hình Việt Nam thời gian qua cũng ghi nhận sự phát triển của các hãng phim tư nhân với nhiều sản phẩm chất lượng. Đơn cử như Vingroup với mảng hoạt hình với VinTaTa đặt tham vọng “tạo ra những bộ phim hoạt hình “made in Vietnam” có công nghệ tinh xảo và hiện đại ngang tầm thế giới”. Hãng thiết kế nhân vật biểu tượng là chú khỉ Monta dựa trên loài voọc quần đùi trắng, quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam. DeeDee Animation Studio với các bộ phim “Đại vương, xin hãy tiết chế!”, “Yêu Kiều”, “Tàn thể”… đã tạo nên một “làn gió mới” cho phim hoạt hình Việt Nam.
Với những gì mà phim hoạt hình Việt Nam đang nỗ lực không thể phủ nhận đang mở ra một thị trường hoạt hình giàu tiềm năng ngay trên sân nhà. Ở đó với những hoài bão và đam mê của người trẻ yêu hoạt hình, các hãng phim đã và đang nỗ lực, tập trung để nâng cao giá trị phim, tăng tính hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả.
Thị trường phim hoạt hình vẫn đang được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị khai thác, phát hành phim. Và với tất cả những gì các đơn vị đã và đang thể hiện mang đến cho khán giả nhiều kỳ vọng vào những bộ phim hoạt hình “made in Vietnam” chất lượng được đưa ra màn ảnh rộng và có khả năng cạnh tranh với các hãng phim lớn của quốc tế trong thời gian tới.
Sau bộ phim “Người con của Rồng” dài 40 phút ra rạp nhân dịp mừng đại lễ Nghìn năm Thăng Long, phim hoạt hình Việt Nam đã trải qua một quãng thời gian dài loay hoay tìm hướng phát triển và luôn “lép vế” với các sản phẩm phim nhập khẩu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dòng phim này đang ghi nhận sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới với những sản phẩm ấn tượng.