Xã hội

Nên ban hành nghị quyết cấm hay thí điểm đối với thuốc lá mới?

Ngọc Tùng 21/11/2024 09:15

Chính sách kiểm soát thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) gồm thuốc lá nung nóng (TLNN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) đang tồn tại nhiều ý kiến khác biệt về sở cứ khoa học, pháp lý lẫn quy trình ban hành quy định căn cứ trên Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 11/11, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm: “Việc chống thuốc lá mới cũng phải tính đến 12 triệu người hiện đang hút thuốc lá, họ có quyền được tiếp cận nếu như sản phẩm đó thực sự giảm thiểu tác hại hơn. Vì vậy phải có cơ sở khi nghiên cứu phương án cấm hay không cấm”.

“Nghị quyết cấm” hay “nghị quyết thí điểm"?

Trước đó, tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp” diễn ra hôm 16/10, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế - dân sự, Bộ Tư pháp phân tích, theo Hiến pháp, nếu muốn cấm những vấn đề liên quan đến quyền con người thì cần thiết phải sửa luật, còn việc ban hành nghị quyết thì áp dụng trong trường hợp thí điểm quản lý.

Ông Lê Đại Hải

Ông Hải cho biết, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điểm b, Khoản 2, Điều 15 - PV), có hai trường hợp Quốc hội có quyền ban hành nghị quyết thí điểm: Thứ nhất là chưa có luật điều chỉnh, thứ hai là chưa tương thích với luật hiện hành.

Theo Luật Đầu tư, thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, do Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) quản lý. Như vậy, sản phẩm TLTHM nào được xác định là thuốc lá thì sẽ thuộc Luật PCTHTL và rơi vào trường hợp thứ hai. Với TLTHM, Quốc hội có quyền ban hành nghị quyết thí điểm có thời hạn. Nếu kết quả thí điểm tích cực thì sẽ hợp pháp hóa, áp dụng thành luật; ngược lại, sẽ bãi bỏ.

Ông Hải cho rằng, vì đã có Luật PCTHTL nên việc trình nghị quyết cấm TLTHM lên Quốc hội là chưa hợp lý. Nếu cấm, phải sửa cả Luật Đầu tư và Luật PCTHTL. Cần thêm vào Luật Đầu tư điều khoản: “Thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trừ TLĐT hay TLTHM trong tương lai là thuộc danh mục bị cấm”. Đồng thời, sửa Luật PCTHTL chỉ điều chỉnh đối với thuốc lá điếu.

Theo các đại biểu, phương án sửa luật hay ban hành nghị quyết thì đều mất ít nhất 2 năm – với điều kiện không có quan điểm khác biệt về các cơ sở khoa học để chứng minh TLTHM độc hại hơn thuốc lá điếu đến mức phải cấm.

Bộ Khoa học – Công nghệ khẳng định TLNN chứa nguyên liệu thuốc lá

Về việc xách định loại TLTHM nào là thuốc lá, ông Lê Đại Hải đề cập đến bộ Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về TLNN được công bố từ năm 2020 bởi Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN). Theo đó, về khoa học, TLNN không có quá trình đốt cháy; về cấu tạo, TLNN có chất nền (nguyên liệu) là thuốc lá.

Các điểm này từng được ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng Nông nghiệp Thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI), Bộ KH-CN nhiều lần làm rõ trong các hội thảo chuyên môn.

FCTC tái khẳng định TLNN là thuốc lá tại Hội nghị COP10 2024.

Về thông lệ quốc tế, các công ước, hướng dẫn mà Việt Nam đã ký và áp dụng như Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hay Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cùng chỉ rõ: TLNN là sản phẩm thuốc lá. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nhận định TLNN là thuốc lá phù hợp với cơ sở pháp lý hiện hành của Việt Nam lẫn văn bản quốc tế.

Đầu tháng 11, sau phán quyết hồi tháng 5 của Tòa án Tối cao Panama: “Luật 315 – cấm TLNN là vi hiến”, Bộ Thương mại - Công nghiệp Panama công bố các sản phẩm TLNN thuộc ngành hàng “thuốc lá” theo ISIC (Phân loại công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế cho tất cả các hoạt động kinh tế của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc), để tiến tới hợp pháp hóa. Cùng thời điểm, theo Tobacco Reporter, Tòa án Tối cao của Mexico cũng ra phán quyết: Lệnh cấm nhập khẩu TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác là vi hiến, gây ảnh hưởng đến quyền tự do thương mại của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của WHO năm 2021, 184/195 nước đã có quy định quản lý hoặc ngầm quản lý TLNN. Trong 11 nước hiện còn cấm TLNN có Thái Lan, Campuchia, Lào, Brunei, Singapore.

Bàn luận về các sản phẩm tác hại thì cần quản lý thế nào là phù hợp, cũng tại tọa đàm ngày 16/10 nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội dẫn chứng về việc ngành y tế kiểm soát và cho phép sử dụng Methadone (vốn là một loại ma túy) như một phương pháp điều trị thay thế hiệu quả dành cho người nghiện. Vấn đề tác hại của thuốc lá đã là sự thật hiển nhiên, nhưng vẫn đang được quản lý phòng chống tác hại như hiện nay.

“Nếu chúng ta có căn cứ khoa học chứng minh rằng TLNN gây tác hại tới sức khỏe người dùng cũng như người xung quanh ít hơn rất nhiều lần so với thuốc lá truyền thống (do thay đổi cách đốt điếu thuốc lá từ đốt ở nhiệt độ hơn 1.000 độ C sang nung nóng dưới 400 độ C), thì tại sao lại cấm?”, ông Cường nêu quan điểm và cho rằng, tác hại TLNN so với thuốc lá truyền thống rất cần được thẩm định bởi tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập, cơ quan ban ngành liên quan.

Trong khi đó, khi nhu cầu hợp pháp không được đáp ứng, người dùng vẫn đang tìm tới thị trường chợ đen, làm gia tăng gánh nặng phòng chống buôn lậu. Theo Tạp chí y học The Lancet, đây là thực trạng từ các nước đang áp dụng lệnh cấm TLTHM như Thái Lan, Singapore, Australia…

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng nêu quan điểm, vì không phải là ngành hàng bị cấm, nên thuốc lá cần được ứng xử mềm dẻo, nhằm mục tiêu vừa hài hòa lợi ích của các chủ thể, gián tiếp vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nên ban hành nghị quyết cấm hay thí điểm đối với thuốc lá mới?