Bộ Tài chính cho rằng với mức tăng 15% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) là vượt quá khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nên đề nghị Bộ LĐTBXH tính toán lại mức điều chỉnh phù hợp.
Rà soát lại mức tăng lương hưu
Bộ Tài chính vừa có công văn hồi đáp Bộ LĐTBXH về đánh giá tác động của cải cách tiền lương mới từ ngày 1/7 đến thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTBXH tính toán lại mức đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công cách mạng 29,2% (từ 2.055.000 lên 2.655.000 đồng mỗi tháng); tăng chuẩn trợ cấp xã hội 38,9% (từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng).
Với mức tăng như trên, tổng kinh phí chi trả là 17.276 tỷ đồng, gấp 2,3 lần nguồn kinh phí được Quốc hội phê duyệt (7.430 tỷ đồng), vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách nhà nước nửa cuối năm 2024. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTBXH phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xác định cụ thể các mức điều chỉnh, để trình cấp có thẩm quyền quyết định các mức tăng trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước. Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện cân đối ngân sách trung ương khó khăn, nguồn bố trí điều chỉnh lương hưu và một số chính sách trợ cấp, an sinh xã hội rất hạn chế, trong khi một số địa phương vẫn tiếp tục dư nguồn cải cách tiền lương lớn.
Do đó, để chủ động nguồn điều chỉnh các chính sách, và giảm áp lực bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương, Bộ Tài chính đề xuất Bộ LĐTBXH báo cáo cấp có thẩm quyền, cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và nguồn cải cách tiền lương của các địa phương còn dư, sau khi đảm bảo đủ nhu cầu cải cách tiền lương được sử dụng để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu và các loại trợ cấp nêu trên.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, hiện nay có nhiều chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật BHYT; một số chế độ về an sinh xã hội (học bổng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập cho một số đối tượng học sinh, sinh viên quy định tại Luật Giáo dục…). Khi thực hiện cải cách tiền lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 sẽ tác động trực tiếp đến chế độ BHXH, BHYT, chế độ đối với học sinh, sinh viên, do không còn quy định về mức lương cơ sở.
Tuy nhiên tại thời điểm ngày 1/7/2024, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật BHYT, Luật Giáo dục vẫn còn hiệu lực, chưa có văn bản thay thế. Do đó để đảm bảo tính pháp lý, thống nhất trong thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… rà soát, nghiên cứu để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trước đó, BHXH Việt Nam đề xuất mức tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8%. Theo tính toán của cơ quan BHXH, nếu được thông qua, với mức điều chỉnh 8%, dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngân sách nhà nước tăng khoảng 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH cho rằng cùng với thực hiện cải cách tiền lương của công chức, viên chức, thì mức lương hưu cần tăng tối thiểu đạt 15%, trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách.
Các chuyên gia nhận định, tăng lương hưu mức bao nhiêu là vấn đề cần cân nhắc dựa trên tình hình thực tiễn, song cần đảm bảo quyền lợi cho người về hưu.
Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH), phương pháp tính lương hưu của chúng ta hiện nay là phương pháp dòng chảy, tức là chi phí để trả cho người hưởng hiện hành thực chất là dựa trên mức đóng của người đang tham gia BHXH hôm nay. Khi điều chỉnh tăng lương thì đồng nghĩa với mức đóng BHXH của những người đang tham gia hiện hành cũng sẽ tăng lên. Đây chính là nguồn đầu vào của quỹ hưu trí.
“Bản chất của lương hưu là tổng tiền đóng của hôm nay sẽ dùng để chi trả cho những người đang hưởng lương hưu ở thời điểm hiện tại. Do đó, khi Chính phủ quyết định tăng lương vào ngày 1/7, thì cần điều chỉnh mức tăng cho người về hưu phù hợp, đảm bảo một mức hợp lý so với mức tăng của công chức. Đặc biệt, cần chú ý đến nhóm có mức lương hưu thấp” – bà Hương nói và cho rằng, việc chênh lệch mức hưởng lương hưu giữa các nhóm là khó tránh khỏi, bởi mức hưởng dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, do đó nếu cùng nhân với một hệ số điều chỉnh giống nhau thì khoảng cách tạo ra càng lớn, những người có lương hưu cao sẽ nhận mức hưởng càng cao, và những người lương hưu thấp sẽ bị điều chỉnh thấp hơn. Do đó, cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu đời sống. Nếu lương hưu thấp hơn mức này, Nhà nước cần điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối thay vì tăng theo tỷ lệ % để bù đắp cho họ. “Việc chia thành các nhóm điều chỉnh lương hưu khác nhau rất cần thiết góp phần đều hưởng lợi từ việc tăng lương này, và không ai bị bỏ lại phía sau” - bà Hương nhấn mạnh.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 23 lần điều chỉnh lương hưu. Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Về nguyên tắc BHXH, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia. Mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận mới mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng, nghĩa là mức đóng càng cao, thời gian đóng càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.