Góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cử tri kiến nghị cần quy định mức lương hưu tối thiểu của người lao động.
Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để nhận lương hưu từ đủ 20 năm xuống còn 15 năm tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang nhận được ý kiến đồng tình từ người lao động. Cụ thể theo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, người tham gia BHXH bắt buộc, tham gia BHXH tự nguyện có 15 năm đóng BHXH được nghỉ hưởng lương hưu hằng tháng, khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động (áp dụng theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi của Bộ luật Lao động năm 2019).
Mức hưởng lương hưu hằng tháng bằng 45% tiền lương bình quân tháng đóng BHXH khi nữ đóng 15 năm, nam đóng 20 năm. Sau đó, mỗi năm đóng BHXH cộng thêm 2% vào lương hưu. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức lương tính đóng BHXH.
Đến tuổi nghỉ hưu, lao động nam đóng BHXH từ đủ 15 đến dưới 20 năm sẽ được nhận lương hưu theo số năm đóng, mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% bình quân tháng lương tính đóng BHXH.
Như vậy, nếu lao động nam có 15 năm tham gia BHXH, lương hưu mà họ được nhận tương đương 33,7% tiền lương tháng tính đóng. Sau đó, mỗi năm đóng cộng thêm 2,25% cho tới năm thứ 20 (đạt 45% tiền lương tính đóng). Từ năm đóng thứ 21 trở đi, mỗi năm người lao động tham gia BHXH được cộng thêm 2% vào lương hưu.
Ủng hộ việc giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, tuy nhiên, người lao động vẫn lo lắng vì mặt bằng lương hưu hiện nay đã thấp, nếu điều kiện thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm thì lương hưu của một số người đóng BHXH dưới 20 năm sẽ còn thấp hơn.
Thực tế tại các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đóng góp ý kiến vào Dự án Luật BHXH (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, cần có quy định mức sàn lương hưu nhằm đảm bảo đời sống tối thiểu. Đơn cử như góp ý kiến cho Luật BHXH (sửa đổi) tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề ngày 28/9 do đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh chủ trì, các cử tri cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến chế độ lương hưu, trong đó đề xuất nên quy định mức hưởng lương hưu tối thiểu của lao động nam và nữ. Trong đó, đề xuất có quy định mức lương hưu tối thiểu của lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50% bình quân tiền lương tham gia BHXH.
Cử tri cũng kiến nghị nghiên cứu lộ trình phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần; bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; các quy định về quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, kiến nghị mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu hằng tháng, quy định về hưởng BHXH một lần. Trong chế độ BHXH, cử tri cũng đề xuất bổ sung thêm các quyền lợi ngắn hạn như: chế độ ốm đau đối với người tham gia BHXH tự nguyện; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm thu hút người dân tiếp cận với chính sách BHXH, tham gia BHXH tự nguyện…
Theo BHXH Việt Nam với chế độ hưu trí, Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng lương cho người thụ hưởng. Hơn nữa, người nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu để được chi trả phần lớn chi phí khám, chữa bệnh trong những năm tháng tuổi già.
Khi người thụ hưởng lương hưu qua đời, thân nhân nhận về chế độ tử tuất. Thế nên, chỉ cần có lương hưu, đời sống của người nghỉ hưu sẽ ổn định hơn. Dự án Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới đây.