Văn hóa

Nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm

Phạm Sỹ 07/02/2025 07:22

Lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa tâm linh lâu đời của người Việt. Mọi người đến chùa dâng hương, cầu một năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người trẻ đến chùa với tâm thế hình thức, chạy theo xu hướng mà chưa hiểu sâu sắc về ý nghĩa của tín ngưỡng.

tr89 (2)
Người dân đi lễ ở chùa Trấn Quốc (Hà Nội). Ảnh: P.Sỹ.

Thu hút giới trẻ

Vào những ngày đầu năm mới, mọi người lại nô nức đến chùa để dâng hương, cầu nguyện và hướng lòng mình đến những điều tốt lành. Còn với nhiều bạn trẻ, đi lễ chùa đầu năm không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc.

Những nơi có kiến trúc đẹp, linh thiêng như chùa Hương, chùa Bái Đính hay chùa Linh Ứng, đền Trần, phủ Tây Hồ… thu hút đông đảo các bạn trẻ. Giữa không gian thanh tịnh, bất kì ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân và sự thành tâm trong lòng mỗi người.

Đến lễ tại phủ Tây Hồ (Hà Nội), chị Vũ Thị Hiền (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, đi lễ đền, chùa đầu năm là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt. Năm nay, tại nhiều địa điểm tâm linh, hình ảnh chen lấn, xô đẩy không còn xuất hiện nhiều. Mọi người ứng xử văn minh hơn và việc thắp hương cũng được điều chỉnh phù hợp, mang lại không khí trang nghiêm, thanh tịnh.

Cùng bạn bè đi lễ tại phủ Tây Hồ dịp đầu năm mới, bạn Lê Thị Nga (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: “Em đi lễ chùa để cầu may mắn, bình an và thành công trong học tập, công việc. Đây không chỉ là một hoạt động tâm linh mà còn là dịp để người trẻ chúng em tìm hiểu về giá trị truyền thống, lịch sử và đạo lý nhà Phật và để hướng tới những giá trị sống tốt đẹp, nhân văn hơn” - Nga chia sẻ.

TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, trong lịch sử các ngôi chùa, bao giờ cũng có lịch sử ứng xử của người Việt. Lịch sử ứng xử này thay đổi theo mỗi thời kỳ khác nhau, nhưng có một điểm chung mà hiện nay đang được phát huy đó là khi đến chùa, trong lòng mỗi người luôn cảm thấy thanh thản, có một niềm tin yêu, trân trọng giá trị văn hóa. Lễ chùa đầu năm cũng giúp những người trẻ hiểu biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tránh những hành vi phản cảm

Tuy nhiên, bên cạnh đi lễ chùa để gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh, một bộ phận các bạn trẻ hiện nay chỉ quan tâm đến việc chụp ảnh sống ảo, miễn sao có được những tấm ảnh đẹp để đăng lên mạng xã hội chứ không thực sự quan tâm về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… tại chốn tâm linh. Đó là một thực tế rất đáng buồn.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, một số bạn trẻ chỉ coi chùa là một địa điểm để chụp ảnh “sống ảo”, đôi khi có thể dẫn đến hành vi thiếu tôn trọng tại không gian tâm linh, như trang phục không phù hợp, nói cười ồn ào hay vô tình làm ảnh hưởng đến những người đến chùa hành lễ.

“Vấn đề ở đây không phải là cấm đoán hay phê phán việc chụp ảnh tại chùa, mà quan trọng là cần có sự cân bằng giữa việc giữ gìn nét đẹp tín ngưỡng và sự tôn trọng không gian linh thiêng. Nếu các bạn trẻ có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc đi chùa, kết hợp giữa niềm tin tâm linh với sự thưởng thức vẻ đẹp văn hóa, thì điều này sẽ giúp phong tục truyền thống phát huy giá trị một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Vì vậy, theo ông Sơn, để gìn giữ nét đẹp văn hóa khi đi lễ chùa, giới trẻ trước hết cần thay đổi nhận thức về ý nghĩa thực sự của việc đến chùa. Đó không chỉ là một hoạt động theo phong trào hay một địa điểm đẹp để chụp ảnh, mà còn là dịp để mỗi người tìm về sự bình an trong tâm hồn, rèn luyện lòng hướng thiện và bày tỏ lòng thành kính với những giá trị tâm linh.

Khi hiểu sâu sắc hơn về điều này, các bạn trẻ sẽ cảm nhận được sự trang nghiêm, thiêng liêng của không gian chùa chiền và trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống. Việc ăn mặc phù hợp, lịch sự, tránh những trang phục quá ngắn hay phản cảm không chỉ thể hiện sự kính trọng mà còn góp phần giữ gìn sự tôn nghiêm tại nơi thờ tự, thể hiện sự văn minh khi đi lễ chùa.

Cùng với đó, đi chùa không chỉ là khấn vái hay cầu xin điều gì đó cho riêng mình, mà còn là cơ hội để mỗi người suy ngẫm về bản thân, hướng đến những điều tốt đẹp và thực hành những giá trị thiện lành. Thay vì chỉ cầu mong tài lộc, danh lợi, các bạn trẻ có thể dành thời gian để tĩnh tâm, cầu nguyện bình an cho bản thân, gia đình và tìm hiểu thêm về những triết lý sâu sắc của nhà Phật. Thậm chí, tham gia các hoạt động thiện nguyện, công quả tại chùa cũng là một cách để kết nối với truyền thống văn hóa và rèn luyện tâm hồn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng, du xuân, đi chùa theo quan niệm văn hóa truyền thống là cách để con người chào đón vận khí của năm mới, là cầu an, cầu sức khỏe. Vì vậy việc thực hiện nghi lễ thờ cúng trong khi du xuân không bắt buộc, quan trọng nhất vẫn là tinh thần thư thái, gieo niềm tin, hy vọng về một năm “mưa thuận gió hòa”.

“Điểm cần quan tâm và lên án là hiện tượng thương mại hóa, thậm chí có yếu tố mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình nơi cửa chùa, sân thánh, khiến nhiều du khách đến những nơi này không vì mục đích cầu may, vãn cảnh. Trong đó, có hiện tượng người trẻ ăn mặc phản cảm, livestream, quay TikTok ở chốn đình chùa, mặc dù chỉ là số ít, nhưng rất cần lên án” - ông Giang nói.

Theo ông Giang, để gìn giữ nét đẹp văn hóa khi đi lễ chùa, mỗi người cần nhận thức đền chùa là nơi thờ tự linh thiêng, hãy đến chốn đền chùa với tâm thế ngưỡng vọng, kính cẩn. Đó là nơi để du xuân, vãn cảnh, mở tâm thế hòa nhập với tự nhiên, với văn hóa truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm