Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân đóng góp cho Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, một cụ ông gần 100 tuổi ở xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã ủng hộ 10 triệu đồng. Số tiền đó là một nửa “gia sản” mà cụ dành dụm từ lâu để lo hậu sự khi “hai năm mươi” về với tiên tổ. Thật đáng quý, đáng trân trọng và xúc động biết bao.
Không chỉ có cụ ông ở cái tuổi “gần đất xa trời” không đắn đo bỏ một nửa số tiền dành dụm ra để đóng góp cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19. Một cụ bà cũng ở cái tuổi “xưa nay hiếm” tại TP Hồ Chí Minh cũng không ngần ngại bỏ 500.000 đồng con gái vừa cho để đóng góp theo lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Xúc động ở chỗ, cụ bà 70 tuổi đã hồn nhiên hỏi các cán bộ tiếp nhận ủng hộ rằng, có thể “thối lại” (trả lại) cho bà 100.000 đồng để đi xe về hay không? Điều đó nói lên điều gì, nếu không phải là tấm lòng thơm thảo của bà, khi sẵn sàng “dốc túi” để xã hội được bình yên, đồng bào được an toàn trong đại dịch Covid-19?
Cụ bà hoàn toàn có thể chỉ cần đóng góp 100.000 đồng hoặc 200.000 đồng, số tiền còn lại sẽ thoải mái thuê xe đi về, bởi có ai quy định phải đóng góp số tiền cố định là bao nhiêu đâu. Điều đó khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Thật mừng là ngay sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động toàn dân ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 rất nhiều người dân đủ các thành phần nam, phụ, lão, ấu trên khắp cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng, dù ít dù nhiều.
Có những cháu nhỏ thậm chí còn chưa vào lớp 1 cũng đã biết “đập lợn” tiết kiệm để đóng góp cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19. Nghe con trẻ bi bô rằng, số tiền tiết kiệm đút lợn đất là để dành sau này mua sách vở, bút mực, nhưng vaccine cần hơn để mọi người trong xã hội đều được bình an, hạnh phúc, chúng sẵn sàng đóng góp quỹ.
Có những người là công nhân, nông dân... dù cuộc sống còn khó khăn vất vả, thậm chí có người còn phải chạy ăn từng bữa, nhưng họ vẫn sẵn lòng đóng góp ít nhiều cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 chính là tấm lòng lương thiện, nhân ái của con người Việt Nam, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ hàng nghìn đời nay.
Người xưa nói: Tích tiểu thành đại. Tất nhiên rồi, một người đóng góp thì ít, nhưng nếu là hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu, chục triệu người đóng góp, thì con số sẽ là không nhỏ. Số tiền đó chính là sức mạnh đoàn kết, là sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong hoạn nạn, là nét đẹp nhân văn thương người như thể thương thân của dân tộc.
Từ bao đời nay, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, cả dân tộc Việt Nam luôn tạo thành một khối thống nhất, đoàn kết một lòng, giúp đỡ nhau vượt qua gian khó. Mỗi người dân đều sẵn lòng cống hiến, đóng góp sức người, sức của khi Tổ quốc yêu cầu. Họ không nghĩ nhiều, không mưu cầu tư lợi, chỉ đơn giản mong muốn đất nước ổn định, xã hội bình yên.
Chẳng phải trong 2 cuộc trường chinh chống thực dân, đế quốc của dân tộc, người dân đã sẵn sàng đóng góp từng cân thóc, hạt gạo, thậm chí tháo cả cửa nhà ra làm đường cho xe bộ đội qua hay sao? Giờ đây, trong “bão dịch” mỗi người lại có những cách đóng góp riêng của mình, nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là quét sạch “giặc dịch”.
Trở lại câu chuyện đóng góp Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của cụ ông gần 100 tuổi, cụ bà ở tuổi “xưa nay hiếm”, hay của những đứa trẻ ngây thơ. Vì sao họ sẵn sàng đóng góp cho đất nước, cho xã hội?
Dĩ nhiên không thể lấy logic bình thường để lý giải những hành động, việc làm phi thường được. Hành động trích một nửa số “vốn” dành lo hậu sự để đóng góp, việc “dốc túi” tới đồng cuối cùng để ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của cụ ông, cụ bà và nhiều người dân khác chính là những việc làm phi thường đáng ngưỡng mộ.
Với những tấm lòng lương thiện, thật thà, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì cộng đồng xã hội, vì đất nước như vậy, lo gì không giành chiến thắng trước đại dịch Covid-19. Lòng thiện được nêu cao, sự nhân ái, yêu thương được lan tỏa sẽ là cơ sở sức mạnh để chiến thắng đại dịch Covid-19.