Trong tuần qua, báo chí liên tiếp đưa tin về hai trường hợp nữ sinh mới chỉ học lớp 8, 9 bất đắc dĩ có thai ngoài ý muốn. Hoàn cảnh hai em tương tự nhau, đều không có bố mẹ kề bên mà sống cùng ông bà.
Đó là trường hợp nữ sinh N.T.N. (13 tuổi, ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) mang thai 5 tháng tuổi. Nguyên nhân được người nhà bé trình báo với cơ quan chức năng là do nhỏ tuổi, chưa hiểu biết nên đã quan hệ yêu đương với một thanh niên cùng huyện dẫn đến có thai.
Trước đó ít ngày, cũng tại Thanh Hoá, sự việc gây bức xúc trong dư luận là trường hợp em Đ.M.A. (là học sinh lớp 9 của một trường THCS trên địa bàn thị xã Nghi Sơn) mang thai gần 15 tuần, do bị bạn học cùng lớp cưỡng ép.
Để xảy ra sự việc đáng tiếc như kể trên, nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng, nguyên nhân chính do việc giáo dục giới tính trong sách giáo khoa phổ thông hiện chưa đáp ứng kịp độ tuổi cũng như nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, chúng ta có thể có nhiều cách giáo dục các em về giới tính. Đó là qua sự hướng dẫn, chỉ bảo của những người thân, qua các tiết học ngoại khóa, hay qua tâm sự của chính các thầy, cô giáo!
Mỗi một con người, đều trải qua những giai đoạn muốn khám phá bản thân. Nhưng sẽ rất khó cho các em khi không có sự tâm tình từ bố mẹ.
Thứ nữa là ở nhà trường lại không giúp các em tỏ tường. Khi trong sách giáo khoa, các tiết học, và cả chính những thầy cô dạy mình không đề cập tới, tự các em sẽ tìm hiểu bản thân theo cách của riêng mình. Và sai lầm là điều rất dễ xảy ra.
Nếu trước đó, những người thân trong gia đình em, các giáo viên hàng ngày lên lớp dạy các em về giới tính thay vì né tránh.
Hoặc cho các em gái biết rằng mang thai, nuôi dưỡng một đứa trẻ khó khăn như thế nào, các em có thể phải đối diện với các nguy cơ sức khoẻ ra sao, thậm chí đe doạ đến tính mạng thì có lẽ các em sẽ tìm cách để thoát khỏi những cạm bẫy.
Đặc biệt với tác giả của những bào thai, nếu ý thức sâu sắc việc quan hệ với trẻ vị thành niên là đối diện với án phạt tù, đối diện với sự dè bỉu, lên án của xã hội thì chắc cũng sẽ biết kiềm chế mà không dám “hành sự”.
Mối quan hệ gia đình - nhà trường luôn cần có sự gắn kết là như vậy. Bất cứ ở độ tuổi nào cũng cần phải phối hợp để giáo dục về mọi mặt, trong đó có giáo dục giới tính cho các em.
Và, vẫn là những lời khuyên được đúc kết lại từ các chuyên gia về tâm lý giáo dục, nhưng có lẽ cần được thực hiện bài bản hơn, nghiêm ngắn hơn. Giáo dục giới tính cần phải cá nhân hoá đến tận từng nhóm đối tượng (nguy cơ cao, nguy cơ thấp).
Gia đình nói chung và nhà trường nói riêng cần có những chương trình giáo dục giới tính nhắm đến nhóm đối tượng, lứa tuổi cụ thể.
Đơn cử như với cấp tiểu học, cần chú trọng đến việc giáo dục phòng tránh xâm hại, dạy cho trẻ ý thức về cơ thể, tôn trọng cơ thể, không gian an toàn… Nhưng đến cấp THCS, khi trẻ ở tuổi dậy thì với bản năng hấp dẫn giới tính trỗi dậy thì lại phải dạy trẻ về tình yêu, tình bạn, tình dục, sức khoẻ sinh sản và các biện pháp tránh thai an toàn…