Lịch sử cổ kim nước ta chưa từng ghi nhận có vụ gian lận thi cử nào lớn bằng gian lận tại kỳ thi THPT năm 2018. Tổng số thí sinh được nâng điểm là 222. Trong đó tại tỉnh Hà Giang có 114 thí sinh, Sơn La có 44 thí sinh và Hòa Bình có 64 thí sinh. Các vụ án đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn về việc tại sao không nêu danh tính người nhờ vả, hay tên thí sinh được nâng điểm?
“Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Ôi chao, lời khai trước tòa của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên- cựu Trưởng phòng khảo thí (Hòa Bình) sẽ khiến giới lãnh đạo nước nhà, nhất là lãnh đạo ngành giáo dục nghĩ gì? Chắc chắn câu nói này khiến người có lương tri, người hướng thiện, người khát khao công bằng pháp luật đau xót. Từ việc không nhận thức được sai phạm ảnh hưởng lớn tới xã hội, họ còn ngụy biện cho cái sai của mình cũng bình thường như nhiều cái sai khác của người khác chưa bị xử lý? Thậm chí, có những bị can còn không lấy làm xấu hổ cho hành vi của mình, mặt còn “vênh” lên cười tươi với bàn dân thiên hạ. Người dân nước ta kính phục và tôn trọng những nụ cười, khí phách hiên ngang của những chiến sĩ cách mạng, hay những bậc anh hùng Nguyễn Thái Học khi khởi nghĩa không thành bị hành quyết. Trong mắt những nhà cai trị thực dân Pháp, Mỹ, họ là những tên tội phạm nguy hiểm, nhưng với người dân, với đất nước, họ là những bậc anh hùng ái quốc.
Thời phong kiến, tội gian lận trong thi cử bị xử rất nặng. Thậm chí là án tử. Sử sách còn ghi sự việc tháng 10/1696, triều đình Lê – Trịnh tổ chức khoa thi hương trong cả nước. Tiến sĩ Ngô Sách Tuân (người Từ Sơn, Bắc Ninh) được cử làm Phó chủ khảo trường thi Thanh Hóa. Tiến sĩ Ngô Hải (Mỹ Văn, Hưng Yên) làm Chánh chủ khảo. Tể tướng Lê Hy có nhờ Ngô Sách Tuân giúp đỡ con của mình dự thi kỳ này. Đến kỳ thi đệ tứ, Ngô Sách Tuân thấy quyển văn của con Tể tướng không đúng cách, bèn đưa riêng quyển thi đó cho khảo quan chấm lại cho đúng cách. Chánh chủ khảo Ngô Hải biết chuyện nhưng hứa với Ngô Sách Tuân sẽ không tiết lộ. Nhưng, không ngờ quan Tham chính tỉnh Thanh Hóa Phan Tự Cường (Đông Anh, Hà Nội) biết chuyện, bèn phát giác. Triều đình đem việc tố cáo giao cho các quan luận tội. Ngô Sách Tuân tuy là bậc đại khoa, từng giữ nhiều chức vụ trong triều đình và lập nhiều công lớn. Tuy nhiên, vận bị định tội chết. Chánh chủ khảo Ngô Hải và các quan giám khảo đều bị cách chức, bị phạt nặng.
Vụ gian lận thi cử thứ hai xảy ra vào năm 1841. Năm đó, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Trong lúc chấm thi, ông thấy một số bài văn hay nhưng phạm húy. Tiếc tài nên ông cùng Phan Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 bài. Vụ việc bị phát giác, dù Cao Bá Quát nhận hết tội về mình, nói: “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”. Nhưng triều đình nhà Nguyễn vẫn xử Cao Bá Quát và Phan Nhạ tội Trảm giam hậu (giam chờ xử chết). Quan Phân khảo Nguyễn Văn Siêu bị trượng đồ (đánh bằng gậy và đi đày). Quan chủ khảo Bùi Quỹ và giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp bị giáng chức. Để xét sự thực xem văn tài của các sĩ tử có đúng như lời khai của Cao Bá Quát hay không, triều đình tổ chức cho thi lại. Các sĩ tử đó quả thực là có tài, duy chỉ có một sĩ tử bị loại là Phan Văn Trị.
Qua hai vụ gian lận thi cử thời phong kiến, chúng ta thấy hai điều. Thứ nhất, triều đình và sử sách công khai danh tính của người “nhờ vả” nâng đỡ không trong sáng. Cho dù người đó là ai, chức cao đến đâu. Thời đó chỉ có câu “pháp bất vị thân” (dùng pháp luật để xử không vì người thân) chứ không có câu “luật pháp không có vùng cấm” như ngày nay. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy có hạn chế. Làm đến chức Tể tướng (tương đương chức Thủ tướng ngày nay), là chức quan cao nhất, quyền chỉ dưới vua, như Lê Hy còn bị bêu tên. Thế mà ngày nay, đa số danh tính của những thí sinh được nâng điểm không bị nêu tên. Chính vì vậy, dư luận suy đoán thí sinh đó phải là dòng dõi con nhà gia thế, không quan chức to thì cũng con nhà đại gia. Trong số những thí sinh “lộ tên” được nâng điểm, dư luận để ý tới trường hợp thí sinh Triệu Ngọc Mai là con gái đương kim Bí thư tỉnh ủy Hà Giang lúc đó là ông Triệu Tài Vinh. Thế nhưng, khi làm rõ người nhờ nâng điểm cho thí sinh Triệu Ngọc Mai thì bà Phạm Thị Hà (vợ ông Vinh) - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang và bà Triệu Thị Giang (em gái ông Vinh) - Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đều không tới tòa dự với tư cách là người liên quan. Sau đó, bà Phạm Thị Hà chỉ bị yêu cầu viết kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã “để em chồng tác động nâng điểm thi cho con”. Thứ hai, là thời phong kiến không có chuyện hối lộ để nâng điểm. Cao Bá Quát nâng điểm vì tiếc cho thí sinh có tài nhưng chỉ vì chút phạm húy mà chấm theo quy định sẽ trượt. Trong số sĩ tử, và phụ huynh của sĩ tử có người Cao Bá Quát biết, có người không. Thế nhưng, tại vụ việc gian lận kỳ thi THPT 2018, các bị cáo đều biết phụ huynh các thí sinh là ai. Lý giải về việc đưa danh sách để nâng điểm, người “nhờ vả” nêu lý do: Chỉ là nhờ xem hộ điểm chứ không nhờ nâng điểm. Ví như ông Hoàng Tiến Đức- cựu Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La, chuyển thông tin 8 thí sinh cho bị cáo Trần Xuân Yến - cựu Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La. 8 thí sinh này đã được nâng điểm. Tại phiên xét xử của tòa án, không thấy nêu “đầu óc” ông Yến có vấn đề. Vậy nếu ông Đức không nhờ ông Yến nâng điểm, hay hối lộ gì thì ông Yến sao có thể hy sinh sự nghiệp, danh dự của mình để chỉ đạo và sửa điểm? Trách nhiệm liên quan của ông Đức trong vụ án gian lận điểm thi này đến nay chưa được cơ quan điều tra làm rõ.
Trong 3 vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, đến nay mới chỉ lảm rõ được 1 vụ việc hối lộ ở Sơn La. Còn hai địa phương Hòa Bình và Hà Giang thì nguyên nhân là “nhờ vả”, là “tự gắp điểm bỏ bài thí sinh”.
Có những bị cáo bị tuyên tổng hợp đến 23 đến 25 năm tù. Người hối lộ cũng bị tuyên vài năm tù. Bản án cho các bị cáo đều phù hợp với quy định của luật pháp. Thế nhưng, thật không công bằng khi các vị “nhờ vả”, các thí sinh được nâng điểm không bị bêu tên.
Thế nên, dù hình phạt có nặng, nhưng mức răn đe với xã hội chưa hẳn đã có nhiều tác dụng.