Trong tuần này, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen-M mang tên Novosibirsk đã được hạ thủy trong tại xưởng đóng tàu Sevmash tại thành phố Severodvinsk, Tây Bắc nước Nga. Đây là dự án tàu ngầm đắt đỏ nhất của Nga thời kỳ hậu Xôviết.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen-M được xem là tàu ngầm nguy hiểm nhất từ trước đến nay của Hải quân Nga.
Dự án Yasen-M
Giám đốc công ty đóng tàu Sevmash Mikhail Budnichenko nói với hãng thông tấn TASS rằng lễ hạ thủy tàu Novosibrisk, tàu ngầm lớp Yasen-M thứ hai của Nga đã được tổ chức trong ngày 25/12 và sẽ có thêm 2 tàu ngầm cùng lớp đi vào hoạt động trong năm 2020, nhân dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Phát xít Đức trong Thế chiến II, một phần trong hợp đồng ký vào mùa hè năm 2019.
Yasen-M là lớp được cải tiến nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật 16 năm giữa tàu lớp Yasen đầu tiên được bàn giao - Severodvinsk - và tàu Kazan. Theo Hãng thông tấn TASS, Novosibirsk là “tàu ngầm đầu tiên được sản xuất hàng loạt trong dự án 885M Yasen-M” được hạ thủy, dù cho Kazan - tàu đầu tiên thuộc lớp Yasen-M - đã đi vào hoạt động từ năm 2017 và hiện đang trải qua nhiều cuộc thử nghiệm để bàn giao cho Hải quân Nga vào tháng 12/2020.
Có 2 yếu tố đáng chú ý về sự không nhất quán này. Thứ nhất, hiện vẫn còn một số tranh cãi về việc liệu Kazan có được xem là đơn vị tàu lớp Yasen-M được sản xuất hàng loạt, hay chỉ là một con tàu kết nối kỹ thuật giữa tàu Severodvinsk và các tàu lớp Yasen-M hiện tại mà bắt đầu là tàu Novosibirsk? Thứ hai, Novosibirsk được bàn giao trước cả tàu Kazan - hiện vẫn đang chạy thử nghiệm nhằm phát hiện thêm “lỗi thiết kế” trong hệ thống điều khiển phức tạp của nó.
Hiện quy mô thực sự của gói nâng cấp Yasen-M vẫn chưa được công bố, và nó có thể bao gồm tới 8 mẫu tàu khác nhau dự kiến sẽ được sản xuất trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các mẫu tàu sắp ra mắt sẽ được nâng cấp để giúp giảm độ ồn, hệ thống điện tử hiện đại hơn, thân tàu ngắn hơn và tải được nhiều vũ khí hơn.
Tàu ngầm lớp Yasen-M có lượng giãn nước 13.800 tấn, có khả năng hoạt động ở độ sâu 520 m, tốc độ dưới nước là 31 hải lý/ giờ với thủy thủ đoàn 64 người và hoạt động được trong 100 ngày liên tục. Chiến hạm được cho là có thể dễ dàng tiếp cận bờ biển phía đông nước Mỹ. Mỗi tàu được trang bị 8 ống phóng thẳng đứng với 32 tên lửa chống hạm P-800 Oniks hoặc 40 tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr cùng ống phóng ngư lôi 533 mm. Số vũ khí trên cho phép tàu ngầm lớp Yasen-M một mình đương đầu với cả biên đội tàu chiến đối phương. Các tàu lớp Yasen-M trong tương lai có thể được trang bị tên lửa hành trình Kalibr-M, có tầm bắn khoảng 4.500 km, tức gần gấp đôi so với tầm bắn của tên lửa hành trình truyền thống 3M14 “Kalibr”.
Ưu việt hơn tàu ngầm Mỹ
Tàu ngầm lớp Yasen-M được cho là có khả năng chiến đấu tương đương với các tàu ngầm tấn công chớp nhoáng lớp Virginia của Mỹ, tuy nhiên, có một điểm mà Yasen-M vượt trội hơn: Tỷ lệ giữa hiệu suất và giá thành. Một đơn vị tàu Yasen-M có giá không quá 50 tỷ rúp (tức 1,6 tỷ USD), trong khi giá trung bình của một tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ có giá tới 2,8 tỷ USD. Theo chuyên gia quân sự Nga Vasily Dandykin, tàu ngầm Novosibirsk không hề thua kém đối thủ Mỹ - tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia, mà còn có phần vượt trội. Đây là tàu ngầm thế hệ thứ tư, đa nhiệm, trang bị tên lửa, khác ở chỗ độ ồn giảm đáng kể - do công nghệ. Vì vậy vấn đề này đã được giải quyết. Tàu mang theo vũ khí đáng gờm, đặc biệt là tên lửa Kalibr, khai hỏa từ dưới nước. Và trong tương lai, sẽ là tên lửa siêu thanh Zircon. Cũng theo vị chuyên gia, con tàu này còn mang nhiều bí quyết chế tạo, đặc biệt là các ống phóng ngư lôi không nằm trong khoang mũi tàu, mà ở giữa thân tàu. Tàu có tốc độ khá cao với độ sâu lớn khi lặn. Ngay cả người Mỹ cũng nhận thấy tàu ngầm dự án Yasen-M không chỉ ở cấp độ tương đương lớp tàu Virginia của mình, mà còn vượt qua về các thành phần thiết yếu. Đặc biệt về mặt vũ khí, tàu Nga có thể mang theo nhiều tên lửa hơn.
Xét về một số mặt thì đây là một chiến thắng rõ ràng của Yasen-M, mặc dù ngân sách của Hải quân Nga ít hơn nhiều so với Hải quân Mỹ. Thêm vào đó, cái giá 1,6 tỷ USD cho mỗi chiếc tàu ngầm lớp Yasen-M sẽ là mức giá cạnh tranh đối với thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, với ngân sách dành cho quốc phòng của Nga (khoảng 70-80 tỷ USD) không lớn như của Mỹ, nên Bộ Quốc phòng Nga đang đau đầu cân nhắc xem nên tập trung nguồn lực phát triển lớp Yasen-M hay lớp Borei-A - dòng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược chỉ có giá khoảng 700-800 triệu USD mỗi đơn vị.
Ban đầu có nhiều dự đoán cho rằng dự án phát triển lớp Yasen-M cuối cùng sẽ bị hủy do các vấn đề về tài chính, nhưng Bộ Quốc phòng Nga sau đó vì tự tin vào khả năng của Yasen-M nên hồi đầu năm nay đã ra quyết định sẽ nâng tổng số tàu lớp Yasen-M từ 6 lên 8 chiếc.
Trong suốt vài thập kỷ qua, việc phát triển tàu ngầm tấn công trước đây vốn không được xem trọng như các dự án hải quân đầy tham vọng khác của Nga; tuy nhiên giờ Moskva đang gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng họ quyết tâm hoàn thiện tàu ngầm lớp Yasen-M.
Mỹ, NATO lo sợ
Trong năm 2019, hạm đội tàu ngầm Nga đã phát triển và ngày càng hoạt động mạnh mẽ hơn. Bộ chỉ huy Hải quân Nga còn đang thảo luận khả năng chế tạo các tàu ngầm dự án 646.3 (NATO gọi là Improved Kilo-II) trang bị tên lửa Kalibr phục vụ hạm đội Baltic - theo Hãng thông tấn TASS. Hạm đội Thái Bình Dương và Biển Đen của Nga đã sở hữu những tàu ngầm thuộc lớp này.
Mỹ và các đối tác NATO hiện tỏ ra hết sức quan ngại về lực lượng này và khả năng hải quân Nga tăng cường hiện diện tại châu Âu. Đối với Hải quân Mỹ, điều đó có nghĩa là họ phải tập trung nhiều sự chú ý hơn vào Đại Tây Dương, đặc biệt là Bắc Đại Tây Dương, gần căn cứ của Hạm đội phương Bắc Nga trên Biển Barents. Vào cuối tháng 9, 5 năm sau khi ngừng hoạt động, Hải quân Mỹ đã tái lập Nhóm tàu ngầm 2 ở Norfolk, Virginia. Động thái này diễn ra chỉ hơn một năm sau khi Hải quân Mỹ tái lập Hạm đội hai, giám sát nửa phía tây của Đại Tây Dương cho tới vùng phía bắc. Những động thái này “nhằm tăng cường năng lực của Hải quân về khả năng chỉ huy và kiểm soát các lực lượng tác chiến dưới biển một cách liên tục trên toàn bộ khu vực Đại Tây Dương, từ vùng biển phía đông của Mỹ đến Biển Barents và thậm chí vào Nam Đại Tây Dương, nếu cần thiết” - Hải quân Mỹ cho biết trong một thông báo.
Phó đô đốc Charles Richard - chỉ huy lực lượng tàu ngầm Mỹ ở Đại Tây Dương - nói rằng tình hình an ninh hiện tại “nhiều thách thức và phức tạp hơn”. Đề cập đến Biển Barents, liền kề với căn cứ của Hạm đội phương Bắc Nga và các lực lượng hạt nhân chiến lược của Moskva trên Bán đảo Kola, ông cho thấy mối quan ngại của các lực lượng Mỹ và NATO ngày càng tăng trước việc Nga có thể tiếp cận châu Âu bằng sức mạnh tên lửa từ tàu ngầm tương đối mới của họ. “Đơn cử, tên lửa hành trình lớp Kalibr đã được phóng từ các hệ thống phòng thủ bờ biển, máy bay tầm xa và tàu ngầm ngoài khơi Syria. Vũ khí này đã cho thấy khả năng có thể tiếp cận gần như tất cả các thủ đô ở châu Âu từ bất kỳ vùng biển nào bao quanh châu Âu” - ông Richard nói.