Chính quyền Nga hôm 27/3 tuyên bố sẽ không để yên cho các hành động khiêu khích nhằm vào các nhà ngoại giao của họ; Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố, thêm rằng một số quốc gia đang bắt chước một cách mù quáng quan điểm “đạo đức giả” của Anh về vụ việc cựu điệp viên Skripal.
Lãnh sự quán Nga tại thành phố Seatle, bị chính quyền Mỹ ra lệnh đóng cửa vào ngày 26/3. (Nguồn: RT).
Quyết định của một số nước thành viên của NATO và các nước châu Âu khác trong việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga liên quan tới cáo buộc ám sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal là một “hành động khiêu khích” và sẽ chỉ gây tổn hại các mối quan hệ quốc tế cũng như quá trình điều tra vụ việc này- RT dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Theo tuyên bố này, những nước đã ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga đang rơi vào lòng bàn tay của London, bên “đã đưa ra quan điểm đạo đức giả về vụ việc trên trong khi không thể đưa ra lời giải thích về điều gì đã xảy ra, đồng thời từ chối hợp tác” để điều tra kỹ lưỡng vụ việc.
Tuyên bố còn nhấn mạnh rằng sự “đoàn kết” mà các nước phương Tây đang thể hiện đã gây tổn hại cho tiến trình điều tra về vụ Skripal và đi ngược lại luật pháp quốc tế. Nga thực sự mong muốn tìm ra sự thực đằng sau vụ đầu độc các công dân của Nga xảy ra trên lãnh thổ Anh.
“Phía Nga, bất chấp nhiều lần đề nghị với London, đến nay vẫn chưa có thông tin về vụ việc này. Không có chút dữ liệu hay vật chứng nào về vụ việc từ phía các đồng minh của Anh, những bên đang mù quáng đi theo quan điểm đoàn kết châu Âu-Đại Tây Dương, gây tổn hại các nguyên tắc chung, tổn hại nguyên tắc đối thoại giữa hai nước và tổn hại luật pháp quốc tế” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
“Chắc chắn động thái thù địch của nhóm các nước này sẽ không thể không nhận được phản ứng đáp trả” - tuyên bố nói thêm.
Chính quyền Moscow sẽ trục xuất ít nhất 60 nhà ngoại giao Mỹ nhằm đáp trả động thái tương tự mà Washington đưa ra- Thượng nghị sỹ Nga Vladimir Dzhabarov nói với RT. Ông đã gọi động thái trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga mà Mỹ đưa ra là bất hợp pháp.
“Rõ ràng là các biện pháp trên sẽ nhận được phản ứng đáp trả, Mỹ sẽ có số lượng nhà ngoại giao tương đương bị trục xuất, ngang với số lượng các nhà ngoại giao Nga bị ảnh hưởng” - ông Dzhabarov nói, đồng thời lên án việc Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga là “vi phạm luật pháp quốc tế”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc đưa ra các biện pháp đáp trả nhằm vào Mỹ và các nước châu Âu đã tham gia trục xuất giới ngoại giao Nga. Hiện tại, Bộ Ngoại giao Nga đang tìm hiểu kỹ lưỡng tình hình và soạn thảo các biện pháp hành động có thể.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, cũng khẳng định rằng chính quyền Moscow không hề dính líu tới vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal.
Cũng trong hôm 27/3, Đại sứ Nga tại LHQ Anatoly Antonov, nói rằng hành động mà chính quyền Washington đưa ra sẽ chỉ làm hỏng mối quan hệ Mỹ-Nga. Nhà ngoại giao này nói rằng Mỹ không hiểu về thứ gì khác ngoài vũ lực, đồng thời đánh tiếng về khả năng Moscow áp đặt các biện pháp đáp trả.
“Moscow đã lường trước được việc Mỹ đưa ra động thái trên, nhưng vẫn hy vọng rằng Washington sẽ giúp ngăn chặn thái độ kích động của Anh” - ông Antonov nói.
Trước đó, trong hôm đầu tuần này, Mỹ đã quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga như một phản ứng về vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Skripal trên lãnh thổ Anh. Động thái này cũng được phối hợp cùng với một số quốc gia châu Âu, các nước cũng trục xuất một số lượng các nhà ngoại giao Nga.
Giới bình luận cho rằng tình trạng hiện tại xảy ra là do tư tưởng thù địch của Mỹ nhằm vào Nga, bắt đầu từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama, trong đó xảy ra hàng loạt sự kiện - từ việc ép giới truyền thông Nga phải đăng ký hoạt động với tư cách cơ quan nước ngoài, hay vụ đóng cửa 2 tòa lãnh sự Nga ở Seatle và Washington...
Dù cho Washington có ý định gì đằng sau quyết định đưa ra hôm đầu tuần, thì thời điểm mà nó được đưa ra rõ ràng cũng là một vấn đề đáng xem xét.
Trong một bài xã luận mà RT đăng tải trên website chính thức hôm 27/3, có nhắc lại một đoạn trong cuốn hồi ký của cựu Tổng thư ký LHQ Boutros Boutros-Ghali ra mắt năm 1999, nói rằng Washington không cần ngoại giao khi mà sức mạnh đã giải quyết được vấn đề.
“Đế chế La Mã không cần ngoại giao, Mỹ cũng giống như vậy” - ông Boutros-Ghali từng viết.