Quyết định rút quân khỏi Syria đầy bất ngờ của Tổng thống Nga Vladimir Putin được đưa ra từ hôm đầu tuần, nhưng đến cuối tuần vẫn còn là một “cơn sốt” khiến Mỹ và phương Tây hoang mang, tìm cách lý giải động cơ đằng sau quyết định mà họ cho là rất khó lý giải này.
Chỉ bằng một quyết định thu quân, Tổng thống Putin đã đạt được nhiều mục đích.
Để có thể hiểu được về quyết định rút quân của Moscow, có lẽ phải hiểu được chiến lược quân sự-chính trị tổng quan của họ. Trái ngược với cách thức giải quyết vấn đề của người Mỹ, Tổng thống Putin không bao giờ tìm cách xâm chiếm một nước mà thay vào đó là đập tan các mối đe dọa an ninh đối với quốc gia. Và để đạt được điều đó, ông thường xuyên sử dụng các chiến lược quân sự để đạt được các mục tiêu an ninh toàn cầu thông qua các biện pháp chính trị.
Nói cách khác, ông Putin là con người hành động theo lý trí, người luôn tìm cách giải quyết các vấn đề đe dọa lợi ích và an ninh của nước Nga. Ông hiểu rằng sức mạnh quân sự là một công cụ để cuối cùng dẫn đến một kết quả về mặt chính trị. Nếu xem lại những sự kiện từng diễn ra ở Ukraine và Syria, chúng ta luôn thấy rằng việc Nga triển khai quân đội luôn dẫn đến các vòng đàm phán hòa bình sau đó để giải quyết triệt để vấn đề.
Nhìn lại những gì đã xảy ra ở Syria, khi Nga chưa quyết định can thiệp quân sự cũng là lúc mà lực lượng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đang phải “đu trên dây” do bị thất thế trên mọi mặt trận: Vừa phải chống đỡ hàng loạt các phe phái nổi dậy, các tổ chức khủng bố như IS, al-Nusra lại vừa phải đối phó với các phần tử thánh chiến trong nước…
Cùng thời điểm đó, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang củng cố thành trì của chúng ở khu vực Tây bắc, Trung bắc Iraq và miền Đông Syria; và đang bắt đầu điều khiển những kẻ khủng bố tới nhiều khu vực khác của châu Âu, như Paris. Khoảng vài nghìn kẻ thánh chiến từ Nga, chủ yếu đến từ Bắc Caucasus, lúc đó cũng đang chiến đấu dưới lá cờ của nhiều tổ chức khủng bố, phiến quân khác nhau. Đó là chưa kể một nhánh của IS cũng trỗi dậy ở Bắc Caucasus.
Và điều đó buộc Nga phải động binh vào ngày 30-9 năm ngoái. Bằng việc đưa ra quyết định trên, Tổng thống Putin đã đánh cuộc rằng sự hiện diện của Nga ở Syria sẽ dẫn tới các vòng đàm phán hòa bình. Cùng với sự giúp sức từ các chiến dịch không kích của Nga, và các hỗ trợ khác, lực lượng của chính quyền Assad đã mở một cuộc phản công trước phe nổi dậy, tái chiếm được hàng trăm làng mạc, thị trấn từ tay phe nổi dậy và các tổ chức khủng bố. Đến nay, họ đã tái chiếm được tỉnh Latakia, phần lớn tỉnh Homs và Hama, đang sắp tái chiếm Aleppo và Palmyra.
Chính vì vậy mà phe nổi dậy chỉ còn nắm giữ vùng sa mạc khô cằn ở miền Đông, và liên tục phải chiến đấu chống lại phiến quân IS. Nhưng, Moscow không hề rút quân toàn bộ, mà chỉ là phần lớn. Trong tuyên bố hôm 14/3, Điện Kremlin nói rằng quân đội Nga sẽ vẫn duy trì sự hiện diện tại căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ Tartus trên lãnh thổ Syria.
Về phần mình, Tổng thống Assa chỉ nói rằng ông và ông Putin đã thỏa thuận “giảm số lượng lực lượng không quân Nga ở Syria”, và điều này dường như đưa ra một tín hiệu khác với Moscow, từ đó khiến Mỹ và phương Tây lo ngại rằng vẫn còn cánh cửa để ngỏ để quân đội Nga một lần nữa lại hiện diện trên lãnh thổ Syria với số lượng lớn trong tương lai.
Ngoài ra, sự hiện diện của quân đội Nga ở Hmeimim vẫn hỗ trợ được cho lực lượng Syria, và bản thân căn cứ này cũng sẽ được bảo đảm bởi sức mạnh của Nga. Bởi vậy, ít nhất trong thời điểm hiện tại, dù rút quân nhưng ông Putin một mặt vẫn đảm bảo được sự an toàn cho chính quyền ông Assad, mặt khác có thể tập trung hơn vào các vòng hòa đàm diễn ra ở Geneva, Thụy Sỹ.
Và kết quả là, sự can thiệp quân sự của Nga đã buộc Washington và phương Tây phải tăng cường các nỗ lực hạn chế của họ trong chiến dịch chống IS và phơi bày sự ủng hộ của họ và các nước Ả rập đối với phe nổi dậy “ôn hòa” ở Syria. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị phanh phui có dính líu tới việc mua bán dầu “bẩn” với IS.
Sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria cuối cùng lại là một mũi tên trúng hai đích. Một mặt, nó phơi bày sự thất bại của cuộc chiến chống khủng bố của liên minh mà Mỹ dẫn đầu. Mặt khác, nó cũng làm suy yếu trục khủng bố Cận Đông-Caucasus vốn đe dọa tới an ninh của nước Nga.
Cũng giống như các quyết định đầy lý trí trước đây, quyết định can thiệp quân sự vào Syria của ông Putin đã buộc các bên có liên quan, bao gồm phương Tây, các nước Ả rập, Iran và Syria phải ngồi vào bàn đàm phán nhằm giải quyết một vấn đề mà Nga mong muốn được giải quyết.
Người ta có thể thấy rõ ràng nhất về mục tiêu này trong một tuyên bố của ông Putin hôm 14/3, trong đó vài lần nhắc lại rằng chiến dịch của Nga ở Syria “đã tạo nên các điều kiện cần thiết để khởi động tiến trình hòa bình”. Trong lúc đó, chính quyền Assad lại có thêm thời gian để củng cố lại lực lượng của mình, sau khi các phe phái nổi dậy trong nước cùng những bên ủng hộ họ đang do dự trước việc phải tiếp tục một cuộc chiến dai dẳng đầy rẫy thất bại.
Đáng nói nhất là các vòng đàm phán hòa bình đã giúp toàn khu vực, có khi cả thế giới, tránh khỏi một cuộc chiến, tăng cường sự phối hợp giữa các bên trong cuộc chiến chống IS và các tổ chức khủng bố khác, đảm bảo một lối đi cho ông Assad duy trì quyền lực ở một mức độ nào đó.
Quyết định rút quân của ông Putin cũng là một tín hiệu cho thấy rằng Moscow mong muốn tạo nên một bầu không khí mà trong đó các vòng hòa đàm có thể diễn ra êm ả, không có các sự kiện trên chiến trường mà Mỹ và phương Tây có thể nắm lấy để cáo buộc Nga.
Và cuối cùng là, việc Nga rút quân khỏi Syria cũng có khả năng mở ra các cơ hội để một lần nữa cho thấy sự hiệu quả của sức mạnh quân đội Nga trong khu vực, từ đó giảm thiểu được những hành động thách thức khác từ một số bên.