Các ngôi nhà mặt phố ở nội thành Hà Nội đủ mọi sắc màu, kiểu cách với các loại cửa sổ, lan can, hoa văn, biển quảng cáo lộn xộn, tùy hứng... Trong ảnh của Nguyễn Thế Sơn, một họa sĩ, giảng viên mỹ thuật ở Hà Nội nhà mặt phố vừa gần gũi, vừa lạ lẫm đối với người xem.
Một bức ảnh trong triển lãm.
Gần gũi, đặc biệt với những ai có thâm niên sống ở thủ đô từng qua đó mỗi ngày, có người quen, bạn bè hay họ hàng đã, đang sống chật chội trong các ngôi nhà hình ống, hẹp và cao thấp ngẫu hứng. Thậm chí, biết tường tận số hiệu ngôi nhà từng thay tên đổi chủ, bán qua tay bao người, thay đổi trích ngang.
Nhưng lạ, mới khi nhìn các bức ảnh thì không chỉ với người lần đầu hay ở xa chưa đến nội thành mà cả ngay với tôi, một người Hà Nội “gốc” cũng thấy mới lạ. Cái mới, lạ trong ảnh Thế Sơn là nhà mặt phố được chụp rất kỹ, trung thành với cái đã có, không thêm bớt và xà xẻo, lại được lắp đặt tỉ mỉ của kỹ thuật ảnh ba chiều, của phù điêu... nhà mặt phố trở nên mới lạ bởi các chi tiết kiến trúc, trong đó pha tạp do nhịp độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt đang thấy ở Hà Nội.
Sưu tập “Đô thị và ký ức” chuyên đề “Nhà mặt phố” của Thế Sơn đã được giải thưởng cao của Viện Mỹ thuật Bắc Kinh – Trung Quốc, nơi tác giả làm luận án Thạc sĩ nghệ thuật. Vào giữa năm nay, các bức ảnh này sẽ có mặt tại Hoa Kỳ và một vài quốc gia khác qua Triển lãm của họa sĩ tuổi Mậu Ngọ 1979.
Nhiếp ảnh, chất liệu chính trong các tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn là tài liệu gợi nhớ về các thời kỳ phát triển khác nhau khá tùy tiện của nhà, phố Hà Nội. Nhu cầu sống, tồn tại, cuộc tiếp xúc với nhịp sống nhanh yêu cầu và tự nhiên xuất hiện lối quy hoạch được cho là ngẫu hứng, chừng nào đó là tùy tiện, ngẫu hứng không tạo cho người sử dụng sống gần và trân trọng quá khứ, làm phong phú đời sống tinh thần. Tỉ lệ nhân văn của bất cứ một đô thị nào cũng được đo bằng bước chân người, cùng những bóng râm trong các không gian công cộng nơi lưu kéo con người đến và chia sẻ với nhau.
Hà Nội đã từng là một đô thị như vậy khi số dân mới hai chục vạn người với kiến trúc Pháp cổ và cũ có từ hơn 100 năm nhưng hôm nay, quy hoạch phi nhân văn đang được lập nên với những khối bê tông vô cảm, những con đường rộng thênh thang chỉ nhằm đáp ứng cho các loại hình tham gia giao thông tăng tốc độ, đã phá vỡ dần những tỉ lệ nhân văn vốn có. Đô thị Hà Nội là sự chồng lấn, khu phố mới, nhà mới che lấp, chèn ép khu phố cũ, nhà cũ, phố ngõ mới xóa đi tên phố cũ, nhà cũ. Không gian để sống, để nghĩ và suy tưởng trở nên cô đặc, chật chội và luôn bị chèn ép, thu nhỏ lại.
Các bức ảnh trong các sưu tập khác như: Nhà chung cư kiểu Liên Xô những năm 60, 70 hay dự án “8 mét vuông” của họa sĩ học giả Nguyễn Thế Sơn là kết quả của sự tìm tòi nghiên cứu nhiều năm có trách nhiệm trước sự giữ gìn ký ức sạch và thoáng, đồng thời là ghi chép bằng hình ảnh, chứng kiến các bước đi vội vã như không cưỡng nổi của nhịp sống thủ đô.
Triển lãm “Đô thị và ký ức” tổ chức tại 12 Hòa Mã – Hà Nội.