Ngẫm về một Yên Bái hạnh phúc

Tùng Duy 23/09/2020 07:45

“Yên Bái hạnh phúc” - một nội dung trong Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã khiến nhiều nhà báo cảm thấy ngạc nhiên và thú vị trong cuộc họp báo trước thềm Đại hội.

1. “53,3% là chỉ số hạnh phúc của Yên Bái” - con số được tính bởi chỉ số hài lòng cuộc sống của người dân nhân với tuổi thọ trung bình và chia cho sự hài lòng về môi trường sống – một kết quả điều tra thú vị thu lại từ 2.000 phiếu khảo sát được Yên Bái thực hiện đối với nhiều đối tượng khác nhau như cán bộ, lực lượng vũ trang, đảng viên, nông dân, công nhân, giáo viên, bác sỹ, doanh nhân, và cả xe ôm cuối năm 2019.

Yên Bái mạnh dạn đưa chỉ số phản ánh yếu tố hạnh phúc vào chương trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX diễn ra sáng nay (23/9) - điều chưa từng có tiền lệ, chưa có tỉnh nào khác trong toàn quốc đưa vào dự thảo Nghị quyết, nhưng với Yên Bái thì hoàn toàn có căn cứ với quan điểm mạnh dạn, vừa làm vừa nghiên cứu, điều chỉnh.

Hai chữ “hài lòng” trở nên quan trọng làm nền tảng cốt lõi của cảm xúc hạnh phúc theo nghĩa rộng. Người dân cảm thấy hài lòng về thu nhập sản xuất (khu vực nông thông hiện Yên Bái đạt thu nhập bình quân 32 triệu đồng/người/năm) với đồ dùng thiết yếu, có ngôi nhà kiên cố với đường làng ngõ phố khang trang, môi trường sạch đẹp, người trong gia đình yêu thương nhau, hàng xóm đoàn kết, đồng thuận, và trưởng thôn (hoặc tổ trưởng dân phố) thường xuyên ghé thăm, gắn kết, hỗ trợ nếu gia đình có việc khi lên trụ sở phường, xã.

Doanh nghiệp đến đầu tư, làm ăn ở Yên Bái cảm thấy hài lòng vì hanh thông, được tạo điều kiện thuận lợi từ cơ quan công quyền, thậm chí có lúc được “trải thảm mời gọi”, ưu tiên pháp lý và ủng hộ tối đa - đến mức được coi là “công dân Yên Bái”.

Du khách phượt lên Yên Bái trải nghiệm bản sắc và thắng cảnh, chỉ một giờ lưu trú cũng hài lòng vì sự mến khách đằm thắm, thật thà của người dân nơi đây…

Cái nghĩa “hài lòng” là thế. Hóa ra nó không hề đơn giản là cảm xúc “phê” như xài một chén rượu ngon trong bản người Thái ở Mường Lò, nó là chỉ số kết quả được căn tính trên một chặng đường rất dài của tất cả cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện, xã, đến từng con phố, từng thôn bản và sự nỗ lực rất lớn của từng công dân Yên Bái.

Một tỉnh được coi là điểm tựa lớn về chính trị, văn hóa, xã hội, và bản sắc của khu vực Tây Bắc nhưng mấy năm gần đây liên miên chịu đựng thiên tai khốc liệt (có giai đoạn thiệt hại 600 - 1.200 tỷ đồng/năm) với sạt lở, lũ quét, tổn thất rất lớn về người và tài sản, thậm chí còn xảy ra những vụ án, vụ việc chấn động khiến tổn thương ít nhiều đến tình cảm, suy nghĩ của người dân, nhưng Yên Bái đã thực sự không thỏa hiệp với đói nghèo, vươn lên khẳng định mình bằng chính nội lực của đất và người.

Với thế trận mời gọi đầu tư bài bản, Yên Bái đã quy tụ nhiều gương mặt lớn như Vingroup, TH TrueMilk, Sungroup, Eurowindow, Hoa Sen, Apec, Bảo Lai, Niponzuki, và gần đây là An Việt Phát, với tổng mức hàng chục ngàn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ 5 năm qua Yên Bái đã đạt hơn 62.000 tỷ đồng (vượt 1,5 lần giai đoạn trước) với nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh.

Quy mô kinh tế đến năm nay ước đạt trên 33.500 tỷ đồng với tốc độ tăng GRDP so với chục năm trước đã lên đến 6,64% cho dù chịu đựng bối cảnh dịch bệnh Covid-19, và GRDP đầu người đã lên đến 42 triệu đồng (gấp 1,5 lần so với năm 2015).

Một con số ấn tượng rõ nét nhất, nếu năm 2015 Yên Bái chỉ có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới thì năm nay đã đạt thêm 70 xã đạt chuẩn, và Trấn Yên trở thành huyện đầu tiên trong khu vực Tây Bắc gặt hái “vương miện” nông thôn mới.

2. Một ngày hội lớn về chính trị của tỉnh với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, và khát vọng vươn lên; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”, thể hiện nhiều quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân Yên Bái dầu còn nhiều thách thức. Và không có lý gì để loại trừ chỉ số hạnh phúc ra khỏi nghị sự của Đại hội.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái, tự tin nói với các nhà báo: Đại hội gắn yếu tố hạnh phúc vào trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và người dân, tất cả phải chăm lo cho một Yên Bái ngày càng hạnh phúc hơn với chỉ số tăng lên trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Có thế thấy rõ những bước đi của Yên Bái tạo nên đột phá những năm qua. Những con đường bê tông trong tỉnh liên tiếp được nối dài đến những xã xa nhất ở huyện Trạm Tấu, bản sâu nhất ở huyện Lục Yên, khó khăn nhất ở huyện Văn Chấn...

Chỉ 5 năm đã có những “chặng đường bê tông” toàn tỉnh nối tổng dài gần bằng từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, và đường tỉnh lộ, đường lớn cho ô tô chạy đủ kéo dài từ Hà Nội lên đến Lào Cai. Hiện Yên Bái đang tiếp tục khởi công và lập dự án mới cho hàng loạt con đường lớn từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào Nghĩa Lộ, nối Trạm Tấu lên phía Bắc Yên (Sơn La)…

Ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, nói sẽ ngày gần đây du khách có thể đi từ TP Yên Bái vào Khu du lịch Tú Lệ hoặc Mù Cang Chải chỉ mất trên dưới 1 giờ đồng hồ - sự khác biệt mà ngày trước ai lên Yên Bái muốn ngược miền Tây mất cả ngày đường và chưa từng dám mơ ước về con đường xe tốc độ cao.

Tác động đến đời sống người dân Yên Bái bởi hệ thống giao thông luôn thể hiện ngay lập tức khi mà du lịch đã tạo ra thu nhập đáng kể và sản phẩm nông lâm nghiệp đã có lối thoát theo chuỗi (tăng trưởng nông nghiệp những năm qua đạt 4,5%/năm – cao hơn bình quân cả nước, và đã có những vùng đất đạt tới 250-300 triệu đồng/ha).

Ngày nay, trải nghiệm danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, thụ hưởng những đêm giàu cảm xúc ở những “làng homestay” của người Mông ở La Pán Tẩn, hay đắm vào thiên nhiên của con nước hồ Thác Bà (đang xây dựng Khu du lịch quốc gia), hoặc đi dạo đêm trăng trên những con đường bê tông trải khắp rừng quế Văn Yên, rồi tụ về đền Đông Cuông nghe hát văn dâng Mẫu Thượng ngàn – những cảm xúc hạnh phúc không chỉ hấp dẫn du khách muôn phương, chính người dân bản địa Yên Bái cũng thấy họ đang hài lòng và hạnh phúc có nhẽ…

* Công nghiệp Yên Bái có bước phát triển khá, trong đó tăng nhanh công nghiệp chế biến nông lâm nghiệp, hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực, lợi thế, với giá trị sản xuất ước đạt 13.000 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu mở rộng đến 90 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2020 đạt 210 triệu USD - gấp 3 lần so với năm 2015). Giáo dục đã ghi điểm lớn trên bản đồ giáo dục quốc gia với 55,3% trường đạt chuẩn, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt trên 96%. Toàn tỉnh có 75% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế (hơn 10 bác sỹ/vạn dân - cao hơn bình quân cả nước). Tỷ lệ thất nghiệp chỉ 1,2%. Gần 100% dân số toàn tỉnh được xem truyền hình. Tỷ lệ nghèo năm 2016 là 32,2% thì nay chỉ còn 7,5%...

* Yên Bái đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chuyên canh với quy mô lớn và với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: Vùng quế gần 78.000 ha, tre măng Bát độ trên 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha, dâu tằm gần 1.000 ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000 ha, đàn trâu bò gần 130.000 con, vùng nuôi thủy sản trên 2.000 lồng cá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngẫm về một Yên Bái hạnh phúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO