Giám sát - Phản biện

Ngăn bóng cười không chỉ bằng pháp luật

Đ.Sơn - H.Giang (thực hiện) 16/07/2025 10:00

Trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, chính sự thiếu rõ ràng trong định danh pháp lý và sự chồng chéo trong phối hợp thực thi đang khiến bóng cười vẫn len lỏi tại các tụ điểm ăn chơi.

Anh bai duopi
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

PV: Với các hành vi sản xuất, buôn bán khí N2O trái phép có thể bị xử lý theo những chế tài nào trong hệ thống pháp luật, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Tại Phụ lục II Nghị định số 82/2022/NĐ-CP của Chính phủ có quy định khí N2O thuộc danh mục hóa chất bị hạn chế sản xuất và kinh doanh. Các cá nhân, tổ chức có hành vi tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, buôn bán bóng cười trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định về hành vi vi phạm liên quan đến hàng cấm và hóa chất hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.

Bên cạnh đó, tại Điều 191 Bộ luật Hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có quy định người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm.

Trên thực tế, việc xử lý hình sự các đối tượng vi phạm liên quan đến bóng cười thường gặp những khó khăn nào, thưa ông?

- Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc xác định rõ hành vi vi phạm liên quan đến khí N2O có đủ điều kiện để bị xử lý hình sự hay không. Đối chiếu với quy định tại Điều 1 Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất thì khí N2O không được xác định là ma túy hoặc tiền chất. Thay vào đó, nó thuộc nhóm hóa chất “bị hạn chế sản xuất, kinh doanh”. Điều này khiến nhiều cơ quan chức năng gặp lúng túng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự, nhất là đối với các tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hoặc tàng trữ hàng cấm.

Việc thiếu một định danh pháp lý rõ ràng khiến quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc liên quan đến bóng cười gặp nhiều trở ngại, có thể dẫn đến xử lý không nhất quán hoặc bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến bóng cười cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều lực lượng liên quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm hoặc thiếu thống nhất trong cách xử lý.

Để ngăn chặn tận gốc tình trạng bóng cười lộng hành, theo ông, ngoài hoàn thiện luật, cần thêm những biện pháp răn đe, phòng ngừa nào từ phía lực lượng chức năng và cả xã hội?

- Để xử lý nghiêm tình trạng sử dụng, kinh doanh bóng cười, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt đối với việc nhập khẩu, kinh doanh khí N2O. Tiếp đó là cần sớm có sự hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó quy định rõ ràng về việc sử dụng khí N2O không đúng mục đích là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, cần điều chỉnh, bổ sung chế tài xử phạt thật nặng đối với hành vi kinh doanh, sử dụng bóng cười trái phép. Cần thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan.

Bên cạnh đó, sự tham gia của toàn xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt trong công tác phòng ngừa. Cần triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tác hại của bóng cười để nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Khuyến khích người dân tố giác các hành vi vi phạm về bóng cười, giúp lực lượng chức năng phát hiện và xử lý kịp thời.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn bóng cười không chỉ bằng pháp luật