Ngăn chặn bạo lực

Lê Anh Đức 20/06/2017 09:10

Hiện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao cho các cơ quan thực thi pháp luật của thành phố điều tra, làm rõ hành vi đánh ngất xỉu nữ công nhân vệ sinh môi trường (thuộc Công ty Urenco 2) của Phạm Thị Bích Diệp và những kẻ đi cùng.

Đương nhiên những người hành hung chị Trần Thị Thanh sẽ phải trả giá cho hành vi côn đồ của mình, song đây cũng là hồi chuông báo động về hành vi bạo lực rất đáng lên án.

Chị Trần Thị Thanh đang phải điều trị tại bệnh viện.

Chị Trần Thị Thanh không phải là nhân viên môi trường đô thị đầu tiên bị hành hung bởi những kẻ côn đồ. Chỉ có điều, sở dĩ vụ việc lần này “nổi đình đám” là do những kẻ hành hung đã đánh nạn nhân bất tỉnh tại chỗ.

Song, cũng chính vì vậy mà xã hội thêm một lần nữa biết thêm về nỗi nhọc nhằn, khổ ải của những nhân viên vệ sinh môi trường, những người đang ầm thầm làm việc để giúp Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Sự khổ ải của nhân viên vệ sinh môi trường không chỉ đơn giản là sự lặng lẽ thu gom rác trong bóng đêm, nơi đường vắng, khi mà người người, nhà nhà đều đã quây quần trong căn nhà ấm cúng.

Sự khổ ải, nhọc nhằn của nhân viên môi trường đô thị ở đây còn là việc thường xuyên bị chửi mắng, thậm chí bị hành hung chỉ vì đã “dám” nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh môi trường.

Thật đáng buồn, không hiếm những kẻ tự cho mình cái quyền được mắng nhiếc, sỉ nhục, hành hung người khác chỉ vì không vừa lòng, vì “ngứa mắt”, hoặc cậy là người có quyền, có tiền...

Người ta nói, hành vi chửi mắng, đánh đập, sỉ nhục người khác chỉ có ở những người có “phông” văn hóa thấp. Vậy phông văn hóa ở đây là gì? Liệu có phải là cứ học càng cao thì văn hóa càng cao không?

E rằng không phải hoàn toàn như vậy! Bởi không hiếm những vị có học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ vẫn cứ nói tục chửi bậy nhem nhẻm, hơi tý là động tay, động chân, dùng vũ lực với vợ con, hàng xóm.

Ngược lại, cũng có không ít người dù chỉ học chưa hết cấp I, cấp II trường làng vẫn có thái độ ứng xử rất văn minh trong những trường hợp tương tự.

Suy cho cùng thì hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số người cũng có trách nhiệm không nhỏ của cả xã hội, của nhà trường, cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương...

Đơn cử, khi bắt đầu những bước chập chững đầu tiên cắp sách đến trường, các em học sinh như những trang giấy trắng mà thầy cô vẽ sao nên vậy.

Vẫn biết sự hình thành tính cách, hay thậm chí là nhân cách con người không phụ thuộc hoàn toàn vào nhà trường, mà còn có yếu tố gia đình và xã hội. Song, không thể phủ nhận rằng tấm gương thầy cô có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người.

Còn nhớ vào cuối năm 2016, tại hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học do Bộ GD-ĐT tổ chức, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa đang trở nên phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng đến mức báo động trong các trường học.

Giờ đây, tại nhiều trường học không chỉ thiếu đi sự kính trọng, lễ phép của học sinh đối với thầy cô, mà nạn bạo lực học đường cũng thường xuyên diễn ra đáng quan ngại.

Đã có vụ “đánh hội đồng” và lột trần bạn gái của mình, rồi quay video clip rồi tung lên mạng. Trong trường hợp này thì không thể nói các thầy cô không hề có lỗi được.

“Bé không vin, cả gãy cành”, người xưa từng nói. Khi mà còn đang ngồi trên ghế nhà trường các em đã có thái độ, hành vi ứng xử như vậy nhưng lại không được uốn nắn kịp thời thì sao có thể trở thành những công dân hữu ích, đáng kính của xã hội sau này?

Một hạt giống đã “ủ bệnh” thì không thể cho ra đời một cây xanh tươi tốt, kết hoa thơm trái ngọt được.

Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, song nếu những mầm non không được uốn nắn, bắt sâu, tỉa cành từ khi còn non nớt thì sao có thể trở thành những cây đại thụ đứng thẳng, gánh vác non sông gấm vóc?

Hay như hiện có khá nhiều quán “bún mắng, cháo chửi”, nghĩa là chủ quán vừa bán hàng vừa mắng khách sơi sơi, thậm chí là nói tục chửi thề, song vẫn cứ đông nghẹt khách.

Đó không phải là mọi người “tự rước khổ” vào mình, hay nói một cách dễ hiểu là gián tiếp cho phép chủ quán cái quyền mắng chửi mình hay sao?

Nếu bất cứ ai đều thấy dị ứng và tẩy chay với hành vi ứng xử thiếu văn hóa, tin rằng “tật” của chủ quán sẽ được sửa ngay, nếu không muốn đóng cửa vì ế ẩm. Và đó không phải là trách nhiệm của mọi người trong thái độ, hành vi ứng xử thiếu văn hóa của chủ quán hay sao?

Trở lại câu chuyện chị Trần Thị Thanh bị hành hung đến ngất xỉu khi nhắc nhở Phạm Thị Bích Diệp giữ gìn vệ sinh môi trường.

Nếu đối tượng được nhắc nhở nói riêng và nhiều người khác nữa nói chung được uốn nắn tử tế từ khi còn cắp sách đến trường, được giáo dục nghiêm khắc bởi gia đình và người thân thì tin rằng sẽ khó có thể xảy ra tình huống hành hung chị Thanh hay các nhân viên vệ sinh môi trường khác khi bị nhắc nhở giữ gìn vệ sinh chung.

Hay việc mỗi người trong xã hội đều có thái độ rõ ràng đối với hành vi bạo lực thì xã hội mới văn minh, lịch sự hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn bạo lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO