Ngăn chặn bạo lực học đường

Lâm An 13/09/2023 07:33

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường khiến không chỉ ngành giáo dục đau đầu mà toàn xã hội lo lắng. Nhiều giải pháp đang được thực hiện để phòng tránh vấn nạn này.

Chăm sóc tinh thần cho giáo viên, học sinh giúp đẩy lùi nạn bạo lực học đường.

Bạo lực học đường – vòng luẩn quẩn, tổn thương kéo dài

Nhiều vụ bạo lực học đường bắt nguồn từ những mâu thuẫn cá nhân dẫn tới đánh nhau giữa hai cá nhân, sau đó là đánh hội đồng với sự tham gia của cả người lớn. Không chỉ đánh một lần mà nạn nhân có thể bị đánh nhiều lần. Từ người bị đánh có thể trở thành nạn nhân… Rất nhiều tình huống xảy ra mà người trong cuộc thiếu bình tĩnh, sáng suốt nhưng cả người ngoài cuộc cũng bị kéo vào và tiếp tay cho hành vi bạo lực.

Cuối tháng 8 vừa qua, vì mâu thuẫn cá nhân nên một nam sinh lớp 9 (Trường THCS Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị bạn dùng tay, mũ bảo hiểm đánh vào mặt khi tan học. Ngày hôm sau, học sinh này đã gọi người nhà đến và từ người đánh bạn, học sinh kia đã trở thành người bị hành hung. Chỉ khi được mọi người xung quanh can ngăn, nhóm này mới dừng đánh và ra về.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, bạo lực học đường nếu kéo dài sẽ ngày càng phức tạp hơn và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trung bình một ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học trên toàn quốc. Có từ 1.600-1.800 vụ bạo lực học đường xảy ra mỗi năm. Con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” do nhiều vụ việc không bị tố giác. Thời học sinh với nhiều em đã không còn là thời đẹp nhất khi bạo lực, bắt nạt học đường trở thành nỗi ám ảnh với các em.

“Phải có những cơ chế xử lý hành động bạo lực học đường, có biện pháp răn đe để học sinh nhận thức và chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Học sinh có hành vi bạo lực có thể phải lao động công ích, phải có thời gian để suy nghĩ về tác hại của việc mình làm… Bên cạnh giáo dục, phải có hình thức để chính học sinh phải chịu trách nhiệm và gia đình cũng phải chịu trách nhiệm” - ông Lâm nêu ý kiến.

Giải pháp đến từ trường học hạnh phúc

Nhiều trăn trở việc bắt nạt trong trường học được đặt ra với không chỉ các nhà giáo dục mà với tất cả những ai quan tâm tới thế hệ tương lai của đất nước. Bởi từ những hành vi ban đầu này có thể là mầm mống tạo nên những con người có tính cách hung dữ, bạo lực.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nếu không cùng sẻ chia, tìm giải pháp thì rất có thể một ngày hệ quả đau lòng sẽ xảy ra.

Hiện nay, ngành giáo dục đang đẩy mạnh xây dựng trường học hạnh phúc. Nhưng để xây dựng trường học hạnh phúc, cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần và cách chăm sóc sức khỏe tâm thần, cần sự đồng lòng của cả học sinh, phụ huynh, nhà trường và đi đầu là các nhà quản lý giáo dục. Khi thầy cô hạnh phúc sẽ lan tỏa hạnh phúc, niềm vui tới học sinh. Bình tĩnh để đối mặt với những tình huống xảy ra, có sự quan tâm, thấu hiểu với học sinh, từ đó ngăn chặn những hành vi bạo lực có thể xảy ra.

Bà Phan Thị Thục Hạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, mỗi lứa tuổi học sinh có những đặc điểm riêng, trong đó học sinh THCS là độ tuổi chập chững trưởng thành. Tiếp cận với các em trong giai đoạn này thực sự không hề dễ dàng. Phòng tư vấn tâm lý học đường của nhà trường ra đời từ lý do đó.

“Một nguyên tắc được nhà trường đặt ra với căn phòng “đặc biệt” này là “Lắng nghe - tôn trọng - thấu hiểu - tin tưởng”. Các giáo viên phụ trách được nhà trường cử đi tập huấn, học tập để trang bị đủ kiến thức giúp học sinh vượt qua những vấn đề tâm lý học đường” - bà Hạnh cho hay. Đây cũng là giải pháp được nhiều trường học và ngành giáo dục hướng tới để mỗi ngày đến trường là một ngày vui và an toàn.

Ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những hiệu trưởng đang cùng gieo mầm hạnh phúc cho biết, mục tiêu cuối cùng của ông đó là cùng những đồng nghiệp tạo ra một môi trường học đường mà học sinh thực sự tìm thấy niềm vui thay vì những áp lực từ bài vở và điểm số. Khi niềm vui và sự thấu hiểu, chia sẻ lấn át thì bạo lực học đường sẽ không còn đất sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn bạo lực học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO