Ngăn chặn biến tướng hầu đồng

Minh Quân 19/09/2023 06:29

Sau khi được UNESCO ghi danh, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tiếp tục phát triển tại nhiều địa phương. Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng còn không ít biến tướng gây băn khoăn trong dư luận.

Một hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thu hút nhiều người tham gia.

“Sức sống” của di sản

Chính thức được UNESCO ghi danh vào ngày 1/12/2016, hiện nay các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có dấu hiệu “bùng nổ”, thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng số lượng các cơ sở thờ tự cũng như đội ngũ các thanh đồng. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, đến năm 2020, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có tới 580 đền, 5 phủ, 1230 điện tư gia, 1640 chùa có phối thờ Mẫu.

Tại Nam Định, không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng có sự mở rộng đáng kể. Hiện tại có tổng số địa điểm thực hành tín ngưỡng là 695. Ở các địa phương khác tình hình cũng diễn ra tương tự, số lượng các cơ sở thờ tự đang tăng lên chóng mặt, nhất là các điện thờ tư gia.

Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các đồng thầy, đồng đền, đồng điện, thủ nhang. Hiện Hà Nội đã có 2037 thanh đồng, trong đó có 570 đồng thầy (người thực hành nghi lễ từ 12 năm trở lên), 810 đồng đền, đồng điện, 821 thủ nhang. Ở Nam Định, theo thống kê, năm 2019 có 485 người trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ thờ Mẫu, trong đó hầu đồng 246 người, hát văn 245 người, sử dụng nhạc cụ 162 người…

GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, đội ngũ các thanh đồng không ngừng mở rộng, thu hút cả những người trẻ tuổi, thậm chí là học sinh, sinh viên đại học. Các buổi lễ hầu đồng vì thế được tổ chức thường xuyên hơn, quy mô lớn hơn và thu hút đông đảo con nhang đệ tử. Nếu trước đây tín đồ đa phần xuất thân từ nông dân, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công thì hiện nay đã mở rộng sang công nhân, doanh nhân, trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ nhà nước… Nếu tính ở tất cả các tỉnh từ Bắc vào Nam thì đây là một lực lượng rất hùng hậu.

Cũng theo bà Loan, tín đồ, con nhang đệ tử thường tập hợp xung quanh một số đồng thầy có uy tín tạo thành các bản hội. Các thủ nhang, đồng đền, đồng thầy là những người đóng vai trò quyết định đối với việc định hướng văn hóa thờ Mẫu. “Là người đứng đầu các bản đền, bản hội và tâm thức “trên kính Phật Thánh, dưới theo đồng thầy”, họ là những “thủ lĩnh tinh thần” có thể đào tạo, dẫn dắt con nhang đệ tử thực hiện các chuẩn mực, nề nếp của tín ngưỡng” - bà Loan nhìn nhận.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ là nét văn hóa cần được báo tồn và phát huy.

Muôn vàn biến tướng

Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng các cơ sở thờ tự, hiện nay việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng nảy sinh nhiều bất cập. Tại một số đền, phủ do người dân công đức một cách tự do, thoải mái, dẫn đến hiện tượng đồ cung tiến rất đa dạng, lộn xộn, thiếu chọn lọc, việc bài trí vì thế mà bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, số lượng các thanh đồng, cung văn tăng lên nhanh chóng tỷ lệ nghịch với chất lượng của đội ngũ này. Các thanh đồng đua nhau thể hiện đẳng cấp, phô trương sự giàu sang, phú quý. Các lễ vật ngày càng “hiện đại”, xa xỉ với rượu Tây, thuốc lá ngoại, bánh kẹo nhập khẩu, đồ lễ có giá trị. Nhiều người chỉ hiểu một cách thực dụng là “tu” thì phải hầu càng nhiều, làm lễ càng to thì Mẫu càng “độ”. Từ đó dẫn đến sự thái quá, đề cao vật chất mà làm mất đi nét văn hóa, phong tục đẹp trong các nghi lễ hầu thánh.

Đáng ngại hơn, một số đồng thầy lợi dụng lòng tin của tín chủ để hăm dọa, trục lợi, gây tâm lý lo sợ, hoang mang, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của người dân, làm mất đoàn kết trong gia đình, xã hội...

Để trả lại giá trị di sản cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế và giảm bớt gánh nặng cho nhà nước hiện nay, vai trò của các tổ chức hội trong việc tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể nói chung, trường hợp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng sẽ càng ngày càng được coi trọng. Điều đó hướng đến việc khai thác các giá trị văn hóa của tín ngưỡng này cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, không bị trần tục hóa và thương mại hóa một cách thô thiển, kệch cỡm...

Theo GS.TS Lê Hồng Lý, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là tín ngưỡng cho người dân, mà còn như một sản phẩm du lịch tâm linh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tham dự. Ở đây, với tư cách là cơ quan chủ quản, Bộ VHTTDL với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa phải là đầu mối điều phối, nắm bắt, hợp tác, kết nối được tất cả các tổ chức xã hội này để chung tay thực hiện chính sách, pháp luật để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt luôn được bảo vệ và phát triển một cách tốt nhất. “Có như vậy, tiềm năng của các hội cùng các tổ chức xã hội khác sẽ được phát huy trong việc bảo vệ và phát triển di sản văn hóa phi vật thể nói chung, thực hành tín ngưỡng thời Mẫu tam phủ của người Việt nói riêng trong sự phát triển chung của đất nước” - GS.TS Lê Hồng Lý nói.

Theo GS.TS Từ Thị Loan, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chứa đựng những giá trị nhân bản, đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc. Đây thực sự là một di sản văn hóa quý cần được tôn trọng, giữ gìn và phát huy trong đời sống đương đại. Việc kế thừa và khai thác các giá trị của Tín ngưỡng Thờ Mẫu cũng chính là góp phần củng cố và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc trong giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn biến tướng hầu đồng