Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân. Đến nay, bên cạnh giá đất, các trường hợp thu hồi đất thì việc làm sao ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất, thổi giá đất, tạo “bong bóng” bất động sản đang được người dân quan tâm.
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tính đến ngày 3/2 Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 160 ý kiến góp ý. Quá trình lấy ý kiến sẽ diễn ra đến hết ngày 15/3. Vì là luật quan trọng nên dự thảo luật đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân.
Vừa qua, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ ngành thực hiện rà soát, có phương án phù hợp để sửa đổi các luật liên quan đang có hiệu lực hoặc trong quá trình soạn thảo, bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai sửa đổi. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ rà soát, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để nhắc nhở, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Là đảng viên, cũng là cử tri đại diện cho cử tri phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ông Nguyễn Quyết Thắng cho rằng, dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này cần đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật, nhất là các luật về thuế để tránh việc tham nhũng, đầu cơ đất đai.
Ông Thắng phân tích: Chúng ta quy định một giá đất sát với thực tiễn để đền bù nhưng thuế như thế nào để chống được tiêu cực, tham nhũng vặt là vấn đề đang được đặt ra trong chuyển nhượng. Đối với những người có nhà thứ hai, thứ ba thì đánh thuế như thế nào?. Nếu tăng thuế lên mới tránh được hiện tượng đầu cơ tích trữ, gây sốt ảo, bong bong bất động sản.
“Chúng ta khuyến khích người dân sở hữu nhà, nhưng từ nhà thứ hai trở lên phải đóng thuế để tránh tình trạng trốn thuế. Kinh doanh thu được lợi nhuận, chuyển nhượng mua bán thì thuế thu nhập cá nhân và thuế chuyển nhượng tài sản phải thu đầy đủ, tránh việc nhà nước bị thất thu thuế, còn người kinh doanh thì đầu cơ, tích trữ tạo nên bong bóng bất động sản” - ông Thắng kiến nghị và lưu ý rằng, trong lần lấy ý kiến này cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để dân tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vì đây là luật vô cùng quan trọng. Mỗi lần như vậy cũng góp phần tăng thêm hiểu biết pháp luật cho người dân, nhất là thời hạn lấy ý kiến từ nay đến ngày 15/3 không còn nhiều.
Theo ông Lê Đình Vinh (quận Đống Đa, Hà Nội), nhiều người cho rằng phải bỏ khung giá đất và tính theo giá thị trường thì mới là thị trường. Nhưng câu hỏi ngược lại là như thế nào là giá thị trường? Nếu tính giá thị trường thì phải với điều kiện là kiểm soát tốt thị trường, để thị trường phản ánh đúng. Ví dụ như câu chuyện Thủ Thiêm vừa rồi. Trúng giá đó có phải là giá thị trường hay không? Hay giá thị trường đã bị biến tướng thông qua các thủ thuật? Ông Vinh cho rằng, luật cần quy định có tính chất định hướng, có tính chất nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa các phương pháp định giá đất một cách linh hoạt và chính xác.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng cho rằng, Luật cần quy định làm sao để không xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai, phản ánh đúng vấn đề thực tế chứ không phải “bong bóng”. Do đó giá đất phải theo giá thị trường. Muốn vậy thuế là vấn đề quan trọng. Từ đó ông Vinh kiến nghị, người có từ hai, ba mảnh đất trở lên cần đánh thuế cao. Trong thời gian được giao đất nhưng không thực hiện dự án thì chỉ gia hạn thêm một lần với thời hạn 1-2 năm bởi có những yếu tố khách quan nên thời gian đầu chưa thực hiện được dự án, giải phóng mặt bằng. Sau khi gia hạn rồi mà không thực hiện được thì cần thu hồi lại dự án. Và trong 1-2 năm được gia hạn đó phải chịu thuế cao hơn.
Từng là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Vinh nhấn mạnh rằng, đất đai là tài sản quý giá, cần được đưa vào khai thác, sử dụng để phát triển kinh tế đất nước. Theo quy định của Hiến pháp, công dân được quyền sở hữu nhà ở. Khi đã có nhà ở rồi mà mua thêm đất thì phải chịu thuế cao.
“Mỗi lần chuyển nhượng phải sát giá thị trường, sang tên để đóng thuế. Lúc đó Nhà nước mới thu được tiền chuyển nhượng, tránh thất thu tiền thuế đất của Nhà nước. Đây là vấn đề cần được đưa vào trong luật để xác định giá trị của đất là thật chứ không phải ảo” - ông Vinh nói.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, để ngăn chặn đầu cơ đất đai, cần thu hồi lại các dự án chậm triển khai và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để phát triển nhanh các dự án. Đồng thời phải đánh thuế để ngăn chặn tình trạng ôm đất bỏ hoang, không triển khai nhiều năm. Điều này sẽ khiến các cá nhân không còn xem đất là một tài sản tiết kiệm mà phải đưa vào sử dụng để tạo ra hiệu quả, buộc các doanh nghiệp phải có phương án đưa các dự án vào triển khai, tạo nguồn cung mới cho thị trường.
Để ngăn chặn đầu cơ bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cần nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế đối với bất động sản, nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách Nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất; pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.